Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non

BS. Đoàn Kim Thành
  • Thạc sĩ, Bác sĩ
  • Nhãn khoa
  • Phó trưởng bộ môn Mắt
  • Phòng khám Đa khoa Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Xem thêm thông tin
Trẻ sinh non có nguy cơ mắc rất nhiều bệnh lý, trong đó bệnh võng mạc trẻ sinh non là bệnh thường gặp, đặc biệt là với những trẻ nhẹ cân ≤ 1500g và/ hoặc ≤ 33 tuần tuổi, có tiền sử thở oxy cao áp kéo dài.

Vậy bệnh võng mạc trẻ sinh non là gì?

Bệnh võng mạc trẻ sinh non (Retinopathy of prematurity - ROP) là một tình trạng bệnh lý của mắt do sự phát triển bất thường của mạch máu võng mạc, thường bị cả hai mắt. Bệnh được Terry mô tả lần đầu tiên năm 1942 ở năm trẻ sinh rất non tháng và gọi là xơ sản sau thể thủy tinh (Retrolental fibrosis - RLF).  Võng mạc là lớp trong cùng của mắt, thường hình thành từ tuần thứ 16 đến tuần thứ 35 của thai kỳ, còn các mạch máu võng mạc vẫn tiếp tục phát triển đến khi đủ tháng. Ở trẻ sinh non quá trình phát triển của mạch máu võng mạc bị gián đoạn, võng mạc không được cung cấp đầy đủ oxy và chất dinh dưỡng, tân mạch phát triển, các tổ chức xơ co kéo gây bong võng mạc và cuối cùng là suy giảm thị lực và mù vĩnh viễn. Trong hầu hết các trường hợp, quá trình này có thể hồi phục được trước khi hình thành xơ hóa. Nguyên nhân của bệnh võng mạc trẻ sinh non còn chưa được xác định. Nhưng người ta nhận thấy rằng những trẻ càng nhẹ cân, sinh càng non, tiền sử thở oxy càng kéo dài thì nguy cơ mắc bệnh càng cao và bệnh càng nặng. Trẻ mắc bệnh giai đoạn sớm thường khó phát hiện, không thể nhìn bằng mắt thường, khi đã biểu hiện ra ngoài là bệnh đã ở giai đoạn muộn, thường không còn chữa được.

Các giai đoạn của bệnh

Dựa theo mức độ tiến triển, bệnh được chia ra làm 5 giai đoạn (GĐ):

  • GĐ 1: Có một ranh giới mỏng ngăn cách giữa võng mạc bình thường ở phía sau với vùng võng mạc vô mạch.
  • GĐ 2: Ranh giới giữa hai khu vực rộng ra và dày lên thành một cái gờ.
  • GĐ 3: Tăng sinh sợi mạch ngoài võng mạc, mạch máu có thể xuất huyết.
  • GĐ 4: Các mạch máu bất thường và mô sẹo sẽ làm co kéo võng mạc, dẫn đến bong võng mạc khu trú.
  • GĐ 5: Bong võng mạc hoàn toàn, làm giảm thị lực trầm trọng.

Khi nào cần khám và điều trị mắt cho trẻ?

Sàng lọc hiệu quả và điều trị sớm là một phương pháp làm giảm nguy cơ mù cho trẻ. Bác sỹ chuyên khoa mắt sẽ có dụng cụ, máy chuyên dụng để khám đáy mắt của trẻ và phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm. Lần khám mắt đầu tiên khi trẻ được 3-4 tuần sau sinh, hoặc trẻ ≥ 31 tuần tuổi, việc khám có thể trì hoãn nếu tình trạng toàn thân trẻ không ổn định. Những trẻ cần khám mắt:

  • Sinh non ≤ 2000g hoặc ≤ 34 tuần.
  • Sinh non > 2000g nhưng có các yếu tố nguy cơ cao như thở oxy nồng độ cao kéo dài, truyền máu, viêm ruột hoại tử, suy hô hấp...

Tùy theo tình trạng bệnh của trẻ, bác sĩ sẽ hẹn tái khám sau vài ngày, 1 tuần/ 2 tuần hoặc có khi cần phải điều trị ngay. Trẻ cần được khám cho tới khi qua khỏi giai đoạn nguy hiểm, bệnh đã thoái triển hoàn toàn hoặc mạch máu ở võng mạc phát triển đầy đủ.

Phương pháp điều trị

Bệnh ROP nếu được phát hiện ở giai đoạn 1 và 2 thì tiên lượng bệnh khá tốt. Tuy nhiên, nếu được phát hiện ở giai đoạn 3 trở lên thì điều trị rất khó khăn và kết quả rất kém. Ngày nay, bác sỹ có nhiều lựa chọn để điều trị tốt nhất cho trẻ như laser quang đông (sử dụng các tia laser bắn vào các mạch máu đang tăng sinh nhằm ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu bất thường), tiêm thuốc ức chế tăng sinh mạch máu (Avastin) vào tiền phòng mắt, phẫu thuật dịch kính võng mạc. Trẻ mắc bệnh ROP dù đã được điều trị hay tự thoái triển thì vẫn có thể có các biến chứng muộn như cận thị, lé, nhược thị, bong võng mạc... nên cần theo dõi lâu dài.  

Phòng bệnh

  • Khám thai định kỳ, quản lý thai nghén tốt để hạn chế bị sinh non.
  • Khi đã sinh non, cân nặng thấp thì cần phải tuân thủ chế độ khám mắt cho trẻ tại bệnh viện có chuyên khoa về mắt để được thăm khám chính xác.
  • Không chủ quan khi thấy mắt trẻ bề ngoài có vẻ bình thường.

Tóm lại, ROP là nguyên nhân quan trọng gây mù hai mắt, vĩnh viễn ở trẻ sinh non. Tuy nhiên, bệnh có thể điều trị được, tiên lượng tốt nếu phát hiện kịp thời.  

ThS.BS Đoàn Kim Thành

 BSNT Phạm Thị Minh Thư

Bộ môn mắt - Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Theo Tạp chí Sức Khỏe

       

Bạn muốn đặt câu hỏi cho Đoàn Kim Thành
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Ý kiến của bạn ({{ pagination.lastes.total }})
Bài viết khác của Đoàn Kim Thành
{{ item.desc.name }}
Bài viết khác - Nhãn khoa
{{ item.desc.name }}
{{ item.desc.name }}
Banner Hỏi đáp Bác sĩ Banner Cơ sở y tế banner 1 trong 4 box (Thư viện BS) Banner Trò chuyện cùng BS
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Sức Khoẻ

Vui lòng để lại thông tin và Chuyên khoa bạn quan tâm, Sức Khỏe sẽ gửi đến bạn những cập nhật mới nhất qua Email của bạn.