Thứ hai, 23/05/2022, 21:03 (GMT+7)

Tổng quan về bệnh ung thư vú

Ung thư vú là sự tăng trưởng bất thường của các tế bào trong vú mà đôi khi có thể sờ thấy u cục hoặc khối gọi là u

Đại cương

U phát triển khi các tế bào trong vú phân chia không kiểm soát và sinh ra mô thừa. U vú có thể lành tính (không ung thư) hoặc ác tính (ung thư). Các tế bào ung thư có thể lan rộng bên trong vú đến các hạch bạch huyết (tuyến) ở nách và các bộ phận khác trên cơ thể.

Phân loại

Các loại ung thư vú thường gặp nhất gồm có:

- Ung thư biểu mô ống tại chỗ (DCIS).

- Ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ (LCIS).

- Ung thư biểu mô ống xâm lấn (IDC).

- Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn (ILC hay ILB).

- Bệnh Paget vú.

- Ung thư vú dạng viêm (IBC).

Các giai đoạn 

Ung thư vú được chia làm 5 giai đoạn từ giai đoạn 0 (tiền ung thư) đến giai đoạn IV (di căn, ung thư vú giai đoạn cuối). Mỗi giai đoạn thể hiện tình trạng tiến triển của tế bào ung thư vú trong cơ thể người bệnh.

- Giai đoạn 0: Tiền ung thư. Đây là giai đoạn sớm nhất của ung thư vú khi các tế bào ung thư chưa xâm lấn mà mới chỉ bắt đầu tăng trưởng bất thường trong các ống dẫn sữa.

- Giai đoạn I: Xâm lấn. Trong giai đoạn này, các tế bào ung thư vú không còn ở vị trí xuất hiện ban đầu mà bắt đầu lan sang các mô vú khỏe mạnh.

- Giai đoạn II: Phát triển. Trong giai đoạn II, khối u vú lớn hơn so với trong giai đoạn I nhưng ung thư chưa lan (di căn) tới phần xa của cơ thể.

- Giai đoạn III: Lan rộng. Đây là giai đoạn các tế bào ung thư vú đã tiến triển và di chuyển đến các hạch bạch huyết.

- Giai đoạn IV: Di căn. Đây là giai đoạn tiến triển nhất của ung thư vú khi các tế bào ung thư vú đã lan (di căn) tới các khu vực khác của cơ thể. Giai đoạn này còn được gọi là ung thư vú giai đoạn cuối và việc điều trị khó khăn hơn so với các giai đoạn trước.

Các bệnh nhân mắc ung thư vú giai đoạn đầu (giai đoạn sớm) là khi các khối u mới chỉ xuất hiện tại biểu mô tuyến vú hoặc phát triển với kích thước dưới 2 cm và có thể lan đến ít hạch bạch huyết ở nách (đầu giai đoạn III). Các triệu chứng tại giai đoạn đầu rất dễ bị bỏ qua nếu không thực hiện cẩn trọng các phương pháp khám sàng lọc ung thư.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ung thư vú hiện chưa được xác định. Theo thống kê, 5 đến 10% các ca ung thư vú có liên quan đến đột biến gen BRCA và mang tính di truyền. BRCA1 và BRCA2 được biết đến là những gen ức chế khối u ở người và cả hai đều nhạy cảm với ung thư vú. Các gen này giúp sửa chữa ADN bị hư hỏng hoặc phá hủy các ADN không thể được sửa chữa. Nếu BRCA1 và BRCA2 bị phá hủy do đột biến BRCA thì ADN bị hư hỏng không được sửa chữa đúng cách và điều này làm tăng nguy cơ ung thư vú. Các đột biến BRCA thường có liên hệ tới yếu tố di truyền.

Ung thư vú cũng có thể xảy ra ở những phụ nữ bắt đầu hành kinh từ khi còn nhỏ tuổi (nguyên nhân nội tiết tố). Các hoóc-môn nữ bình thường kiểm soát sự phân chia tế bào trong vú và có thể kích thích gây ung thư vú. Phụ nữ trên 40 tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư vú

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư vú bao gồm:

- Giới tính: Nguy cơ ung thư vú ở nữ giới cao hơn nam giới.

- Độ tuổi: Tuổi càng cao, nguy cơ ung thư vú càng tăng.

- Bản thân mắc bệnh lý về tuyến vú: Như xơ vú, áp xe vú không được điều trị kịp thời.

- Yếu tố di truyền: Trong gia đình có thành viên mắc ung thư vú.

- Bản thân có tiền sử ung thư vú: Nếu người bệnh từng bị ung thư 1 bên vú thì sẽ bị tăng nguy cơ hình thành ung thư ở bên vú còn lại hoặc tái phát.

- Phơi nhiễm phóng xạ: Từng được điều trị phóng xạ vùng ngực khi còn nhỏ, hoặc khi mới lớn.

- Béo phì: Béo phì làm tăng nguy cơ ung thư vú.

- Dậy thì sớm: Bắt đầu hành kinh trước 12 tuổi cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú.

- Mãn kinh muộn: Phụ nữ mãn kinh muộn cũng bị tăng nguy cơ ung thư vú.

- Chưa bao giờ mang thai: Phụ nữ chưa từng mang thai có nguy cơ ung thư vú cao hơn so với những người đã mang thai.

- Dùng hoóc-môn sau mãn kinh: việc dùng estrogen và progesteron sau mãn kinh cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú.

- Uống rượu bia: Sử dụng rượu bia làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Khối u ung thư vú hình thành như thế nào?

Ung thư vú thường bắt đầu từ các tế bào trong ống dẫn sữa (ung thư biểu mô ống xâm lấn). Ung thư vú cũng có thể hình thành trong mô tuyến được gọi là tiểu thùy (ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn) hoặc trong các tế bào hoặc mô khác trong vú. Các tế bào bất thường này phân chia nhanh hơn các tế bào khỏe mạnh và tiếp tục tích tụ, tạo thành một khối. Các tế bào có thể lan (di căn) đến các hạch bạch huyết hoặc đến các bộ phận khác của cơ thể.

Cách ngăn ngừa ung thư vú

Cách ngăn ngừa ung thư vú ở phụ nữ có nguy cơ trung bình

Việc thay đổi các thói quen sinh hoạt hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú, ví dụ như: hạn chế dùng bia rượu, tập thể dục thường xuyên, hạn chế sử dụng hoóc-môn thay thế, duy trì cân nặng hợp lý, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tự kiểm tra vú thường xuyên, hỏi ý kiến bác sĩ khi nào cần khám sàng lọc.

Cách ngăn ngừa ung thư vú ở phụ nữ có nguy cơ cao

Ở phụ nữ có nguy cơ cao và rất cao có thể cân nhắc phương pháp phẫu thuật dự phòng, tức là phẫu thuật cắt bỏ vú khỏe mạnh hoặc dùng thuốc dự phòng (hóa trị dự phòng) như thuốc chặn estrogen để giảm nguy cơ mắc bệnh sau khi tham vấn bác sĩ chuyên khoa về các lợi ích và nguy cơ của mỗi biện pháp ngăn ngừa.

Triệu chứng

Ung thư vú có thể bao gồm bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

- Cục u không đau ở vú

- Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường ở núm vú

- Da sần vỏ cam hoặc nhăn nheo ở vú

- Ngứa và phát ban dai dẳng quanh núm vú

- Núm vú bị tụt hoặc lõm vào trong

- Da trên vú sưng và dày lên

Chẩn đoán

Tự kiểm tra các dấu hiệu ung thư vú

Ung thư vú là một trong số ít những bệnh ung thư mà bệnh nhân có thể phát hiện tại nhà thông qua việc tự kiểm tra. Bệnh nhân cần hiểu rõ về hình dạng, hình khối và cảm giác về vú của mình để có thể nhận ra các thay đổi nếu có, ví dụ như u cục. Việc tự kiểm tra thường xuyên các dấu hiệu ung thư vú có thể giúp phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm trước khi bệnh lan rộng, có thể giúp ích cho việc điều trị thành công hơn. Một số điều cần lưu ý liên quan đến việc tự kiểm tra bao gồm:

- Nên tự kiểm tra vú hàng tháng, tốt nhất là khoảng một tuần sau thời điểm bắt đầu kỳ kinh nguyệt gần nhất.

- Nếu bệnh nhân không còn hành kinh, bệnh nhân nên tự kiểm tra vú vào cùng một ngày mỗi tháng, ví dụ như vào ngày đầu tiên của mỗi tháng.

Khi tự kiểm tra, phụ nữ nên chú ý các dấu hiệu sau để phát hiện ung thư vú sớm:

- Cục u, tình trạng sưng hoặc dày lên ở vùng vú hoặc nách

- Thay đổi kích thước hoặc hình dạng của vú

- Da sần vỏ cam hoặc nhăn nheo ở vú hoặc núm vú

- Phát ban dai dẳng hoặc thay đổi ở vùng da quanh núm vú

- Những thay đổi gần đây ở núm vú, ví dụ như tụt núm vú, núm vú bị lõm vào trong

- Bất kỳ tình trạng chảy máu hoặc tiết dịch bất thường nào ở núm vú

- Đỏ da hoặc đau ở vú

- Tĩnh mạch nổi trên bề mặt vú

- Sưng bất thường ở bắp tay

- Bất kỳ hạch bạch huyết sưng to nào ở vùng nách và xương đòn

Chú ý phát hiện những thay đổi có thể nhìn thấy bằng mắt thường ở vú và núm vú bằng cách từ từ xoay vú và núm vú từ bên này sang bên kia và cảm nhận những thay đổi ở vùng ngực, nách và xương đòn.

Nếu bạn nhận thấy có nổi u cục ở vú, hoặc nếu bạn nghi ngờ mình có thể bị ung thư vú, bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn và thực hiện các kỹ thuật kiểm tra chuyên sâu như chụp X-quang tuyến vú.

Chụp X-quang tuyến vú

Chụp X-quang tuyến vú là một quy trình kiểm tra sàng lọc sử dụng một loại máy đặc biệt để chụp ảnh X-quang vú. Ảnh chụp X-quang cho phép phát hiện những u ung thư không thể cảm nhận được bằng tay hoặc những khối u ở vú chưa phải ung thư nhưng có thể phát triển thành khối u ung thư. Chụp X-quang tuyến vú hiện đang là một trong những công cụ tầm soát ung thư vú đáng tin cậy nhất. Chụp X-quang tuyến vú định kỳ có thể giúp phát hiện sớm ung thư vú, nhờ đó được chẩn đoán bệnh sớm và điều trị kịp thời. Phụ nữ từ 40 – 49 tuổi nên chụp X-quang tuyến vú hàng năm.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến vú

Chụp MRI (chụp cộng hưởng từ) tuyến vú là một quy trình kiểm tra sàng lọc đặc biệt để tạo hình ảnh của tuyến vú bằng cách sử dụng từ trường mạnh và sóng radio. Chụp MRI tuyến vú không phải là lựa chọn thay thế cho chụp X-quang tuyến vú. Quy trình này được sử dụng như một công cụ bổ trợ cho chụp X-quang tuyến vú, thường là trong trường hợp có sự bất thường trên chụp X-quang tuyến vú nhưng không thể kết luận chắc chắn đó có phải là một khối u ung thư hay không.

Chụp MRI tuyến vú có thể được sử dụng để cung cấp cho bác sĩ thông tin chi tiết về vị trí bị ung thư vì quy trình này cho hình ảnh về mô vú. Chụp MRI tuyến vú cũng được sử dụng để kiểm tra vị trí sau khi điều trị nhằm xác định xem còn dấu hiệu của ung thư hay không.

Trong một số trường hợp, chụp MRI tuyến vú được sử dụng để tầm soát ung thư vú ở những phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao, ví dụ như những phụ nữ có tiền sử gia đình bị ung thư vú hoặc những phụ nữ trẻ hơn có mật độ nhu mô tuyến vú cao hơn.

Điều trị

Tùy thuộc vào giai đoạn ung thư vú, bệnh nhân có thể được tư vấn tiến hành phẫu thuật để loại bỏ u và/hoặc sử dụng các phương pháp điều trị ung thư vú khác.

Phẫu thuật bảo tồn vú

Phẫu thuật bảo tồn vú là phương pháp phẫu thuật cho phép loại bỏ hoàn toàn mô ung thư vú trong khi vẫn để lại tối đa mô bình thường xung quanh, bao gồm Phẫu thuật cắt bỏ u vú và phẫu thuật cắt một phần tuyến vú. Phẫu thuật bảo tồn vú có ưu điểm là có thể đảm bảo hiệu quả khỏi bệnh tương đương với điều trị cắt toàn bộ tuyến vú. Phẫu thuật bảo tồn vú có thể có một số nguy cơ biến chứng xảy ra sau phẫu thuật như: sưng vú tạm thời, thay đổi kích thước và hình dạng vú, cứng do sẹo hình thành tại vết mổ, nhiễm trùng vết thương, chảy máu, sưng cánh tay (trong trường hợp cắt bỏ hạch).

Phẫu thuật cắt bỏ u vú – cắt bỏ khối u ung thư và mô xung quanh

Phẫu thuật cắt bỏ u vú là thủ thuật để loại bỏ mô vú bị ung thư và một phần nhu mô tuyến vú xung quanh đủ để không còn tế bào u tại diện cắt. Thủ thuật này giúp bảo tồn phần còn lại của vú cũng như cảm giác ở vú và thường kết hợp với xạ trị sau phẫu thuật.

Phẫu thuật cắt một phần tuyến vú – cắt bỏ 1/4 vú chứa u và mô xung quanh

Phẫu thuật cắt một phần tuyến vú là thủ thuật phẫu thuật cho bệnh ung thư vú, trong đó một phần tư mô vú được cắt bỏ cùng với các cơ của thành ngực trong bán kính 2 đến 3 cm của khối u.

Phẫu thuật cắt bỏ vú – cắt bỏ toàn bộ vú

Phẫu thuật cắt bỏ vú là phẫu thuật để loại bỏ toàn bộ mô vú để điều trị hoặc phòng ngừa ung thư vú. Bác sĩ có thể tư vấn cắt bỏ vú thay vì phẫu thuật bảo tồn vú như phẫu thuật cắt bỏ u vú nếu:

  • Bệnh nhân có hai khối u trở lên ở các vùng vú khác nhau.
  • Trước đây bệnh nhân đã xạ trị vùng vú và ung thư vú tái phát.
  • Bệnh nhân đang mang thai và bức xạ tạo ra rủi ro không thể chấp nhận được cho thai nhi.
  • Bệnh nhân đã phẫu thuật cắt bỏ khối u, nhưng ung thư vẫn hiện diện ở rìa của khối u đã phẫu thuật và ung thư có khả năng lan rộng đến các vùng khác của vú.
  • Bệnh nhân mang một đột biến gen có nguy cơ cao phát triển ung thư thứ hai ở vú.
  • Khối u của bệnh nhân tương đối lớn so với kích thước tổng thể của vú, do đó số lượng mô khỏe mạnh còn lại sau khi cắt bỏ u vú cũng không giúp mang lại kết quả thẩm mỹ chấp nhận được.
  • Bệnh nhân bị bệnh mô liên kết, chẳng hạn như xơ cứng bì hoặc lupus, và có thể không chịu được các tác dụng phụ của bức xạ đối với da.

Phẫu thuật cắt bỏ vú kèm bóc tách hạch nách có thể mất 2-3 giờ. Nếu tiến hành tái tạo vú đồng thời, ca phẫu thuật sẽ kéo dài hơn.

Cũng giống như các ca phẫu thuật khác, phẫu thuật cắt bỏ vú có thể kéo theo các nguy cơ như:

  • Chảy máu
  • Nhiễm trùng
  • Đau đớn
  • Sưng (phù bạch huyết) ở cánh tay nếu bệnh nhân được bóc tách hạch nách
  • Hình thành mô sẹo cứng tại vị trí phẫu thuật
  • Đau và cứng vai
  • Tê, đặc biệt là dưới cánh tay, do cắt bỏ hạch bạch huyết
  • Tích tụ máu ở vết mổ (tụ máu)

Các phương pháp điều trị ung thư vú khác gồm có:

Liệu pháp sử dụng thuốc để phá hủy các tế bào ung thư

Các loại thuốc để điều trị ung thư vú bao gồm hóa trị, liệu pháp nội tiết tố và liệu pháp nhắm đích.

Liệu pháp Hóa trị để điều trị ung thư vú

Hóa trị là liệu pháp sử dụng các loại thuốc chống ung thư theo đường tiêm tĩnh mạch hoặc bằng đường uống. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể được tư vấn dùng hóa trị trước phẫu thuật (hóa trị tân bổ trợ) nhằm làm thu nhỏ khối u, giúp cho việc phẫu thuật sau đó trở nên ít xâm lấn hơn HOẶC dùng hóa trị sau phẫu thuật (hóa trị bổ trợ) nhằm tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại hoặc đã lan sang vùng khác nhưng không quan sát thấy (ngay cả bằng phương pháp chẩn đoán hình ảnh).

Hóa trị có thể đi kèm một số tác dụng phụ như:

  • Rụng tóc
  • Thay đổi ở móng
  • Lở miệng
  • Chán ăn hoặc thay đổi cân nặng
  • Buồn nôn và nôn
  • Tiêu chảy

Ngoài ra, do hóa trị có thể làm ảnh hưởng đến tế bào tạo máu của tủy xương, do đó có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, dễ bầm tím, xuất huyết, hay mệt mỏi. Tuy nhiên các tác dụng phụ này thường sẽ tự khỏi sau khi kết thúc điều trị. Trong trường hợp tác dụng phụ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ có thể kê thuốc để điều trị các tác dụng phụ đó.

Liệu pháp nội tiết tố trong điều trị ung thư vú

Liệu pháp nội tiết tố điều trị ung thư vú là phương pháp điều trị ung thư vú nhạy cảm với nội tiết tố. Các liệu pháp nội tiết tố phổ biến nhất cho bệnh ung thư vú phát huy hiệu quả bằng cách ngăn chặn nội tiết tố gắn vào các thụ thể trên tế bào ung thư hoặc bằng cách giảm khả năng sản sinh nội tiết tố của cơ thể.

Liệu pháp nội tiết tố có thể đi kèm một số tác dụng phụ như:

  • Nóng bừng
  • Tiết dịch âm đạo
  • Khô hoặc kích ứng âm đạo
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn
  • Đau khớp và cơ
  • Bất lực ở nam giới bị ung thư vú

Ngoài ra, các tác dụng phụ ít gặp hơn nhưng nghiêm trọng hơn bao gồm: cục máu đông trong tĩnh mạch, ung thư nội mạc tử cung hoặc ung thư tử cung, đục thủy tinh thể, đột quỵ, loãng xương, bệnh tim

Liệu pháp nhắm đích trong điều trị ung thư vú

Liệu pháp nhắm đích trong điều trị ung thư vú là sử dụng các thuốc làm hạn chế sự tăng trưởng và lan rộng của khối u, thường được áp dụng trên những bệnh nhân ung thư vú giai đoạn muộn, tiến triển và di căn xa mà các phương pháp điều trị tại chỗ như phẫu thuật, xạ trị không thể thực hiện được. 

Các thuốc được sử dụng để nhắm đích vào các phân tử cụ thể (chẳng hạn như protein) trên tế bào ung thư hoặc bên trong chúng. Các phân tử này giúp gửi các tín hiệu thông báo cho các tế bào phát triển hoặc phân chia. Bằng cách nhắm vào các phân tử này, thuốc ngăn chặn sự phát triển và lây lan của tế bào ung thư và hạn chế gây hại cho các tế bào bình thường. Liệu pháp nhắm đích cũng có thể được gọi là liệu pháp nhắm mục tiêu phân tử.

Xạ trị (tia X năng lượng cao) để phá hủy các tế bào ung thư vú

Xạ trị là phương pháp điều trị sử dụng các loại tia có năng lượng cao, thường là tia X, để phá hủy hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị có thể được tiến hành độc lập hoặc kết hợp với một hoặc nhiều phương pháp điều trị khác như: hóa trị, phẫu thuật. Có nhiều phương pháp xạ trị khác nhau, bao gồm: xạ trị áp sát, xạ trị chiếu ngoài hoặc bệnh nhân được cho uống, tiêm các thuốc chứa đồng vị phóng xạ.

Khi dùng xạ trị để điều trị ung thư vú, bệnh nhân có thể gặp tác dụng phụ như sau:

  • Mệt mỏi, buồn nôn, nôn, chán ăn (khi hóa xạ trị đồng thời).
  • Viêm da tại vùng xạ trị.
  • Viêm phổi do tia xạ (khi xạ trị vùng ngực).
  • Giảm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu (khi hóa xạ trị đồng thời).

Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp tác dụng phụ muộn (tác dụng phụ xảy ra sau khi kết thúc xạ trị được vài tháng đến vài năm) bao gồm: hoại tử da vùng xạ trị, teo da, v.v.

Phục hồi chức năng

Trải qua điều trị ung thư vú, dù bằng phương pháp hóa trị hay xạ trị hay phẫu thuật, bệnh nhân đều có khả năng gặp phải các tác dụng phụ như sưng, đau cứng ngực, vấn đề về thần kinh ngoại vi: đau, ngứa ở bàn tay, bàn chân, dẫn đến mất thăng bằng, tăng nguy cơ té ngã cũng như tình trạng mệt mỏi kéo dài do các tác dụng phụ gây ra. Phục hồi chức năng trong và sau khi điều trị ung thư vú có thể làm giảm các tác dụng phụ của điều trị và giúp ích cho quá trình hồi phục.

Các biện pháp phục hồi chức năng gồm có:

  • Hỗ trợ về dinh dưỡng và lối sống giúp bệnh nhân hồi phục
  • Các bài tập vai và chăm sóc cánh tay nhằm tránh tình trạng cứng và sưng

Biến chứng

Ung thư vú ở giai đoạn muộn có thể gây ra nhiều biến chứng, bao gồm đau nhức do ung thư, biến chứng ở xương, phổi, gan và não.

Đau nhức do ung thư

Bản thân ung thư có thể gây ra đau nhức khi các khối u phát triển và chiếm chỗ của các khu vực khỏe mạnh trước đây của cơ thể. Ung thư có thể gây áp lực lên các cơ quan, dây thần kinh và xương, gây ra các cơn đau nhức âm ỉ hoặc đau nhói.

Biến chứng ở xương

Ung thư vú thường di căn đến xương và gây ra một số biến chứng. Các biến chứng này chủ yếu là do hiện tượng tiêu xương. Ở người trẻ tuổi khỏe mạnh, quá trình tiêu xương và quá trình tái tạo xương diễn ra với tốc độ ngang nhau. Nhưng ở người cao tuổi và người bị di căn, tiêu xương diễn ra với tốc độ nhanh hơn, khiến xương trở nên yếu hơn. Do đó, người bệnh bị di căn vào xương sẽ dễ bị nứt, gãy xương, thậm chí cả khi không do chấn thương nào quá lớn.

Quá trình tiêu xương diễn ra nhanh là nguyên nhân dẫn đến tăng canxi trong máu, gây ra một số vấn đề khác như suy thận, sỏi thận, các vấn đề về thần kinh bao gồm lú dẫn, mất trí, v.v.

Ngoài ra, khi các tế bào ung thư phát triển gần cột sống, chúng có thể gây áp lực lên tủy sống và các dây thần kinh lân cận. Áp lực này có thể gây đau lưng hoặc cổ, tê hoặc ngứa ran và đi lại khó khăn. 

Biến chứng ở phổi

Ung thư vú khi lan đến phổi có thể gây ra tình trạng khó thở, thở khò khè, đau ngực hoặc khó chịu hoặc ho không thuyên giảm.

Tế bào ung thư vú đôi khi có thể dẫn đến một biến chứng gọi là tràn dịch màng phổi. Đây là tình trạng khi mà các tế bào ung thư đi vào phần chất lỏng quanh phổi của bạn. Khi đó cần thực hiện thủ thuật để loại bỏ phần dịch dư thừa.

Biến chứng ở gan

Ở khoảng một nửa số người được chẩn đoán ung thư vú di căn, tế bào ung thư có thể được phát hiện ở gan, hình thành các khối u, ảnh hưởng đến chức năng gan.

Các dấu hiệu ban đầu bao gồm đau hoặc đầy bụng. Các triệu chứng nghiêm trọng hơn bao gồm giảm cân đột ngột, nôn mửa hoặc vàng da.

Biến chứng ở não

Khi tế bào ung thư di căn đến não, có thể ảnh hưởng đến tầm nhìn, trí nhớ và hành vi của người bệnh. Các triệu chứng có thể bao gồm đau đầu thường xuyên, chóng mặt, buồn nôn, nôn và co giật. 

Ngoài ra, bệnh nhân ung thư vú có thể bị tăng nguy cơ nhiễm trùng, mắc các bệnh không truyền nhiễm. Trong đó nguy cơ cao nhất là bệnh phù bạch huyết, viêm da do bức xạ, giảm bạch cầu trung tính - tương ứng với tác dụng phụ của phương pháp điều trị phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Mặc dù tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh khác nhưng nguy cơ tử vong tăng ở bệnh nhân ung thư vú là do các loại ung thư đặc khác do rối loạn mãn kinh, do đó bệnh nhân cần được theo dõi, khám phụ khoa định kỳ.

Tài liệu tham khảo:

Theo bài viết Ung Thư Vú trên trang Mount Elizabeth từ Bác sĩ Ang Cher Siang Peter chyên khoa ung bướu - phòng khám Oncocare Women's Cancer Clinic; Bác sĩ Au Siew Cheng Elizabeth chuyên khoa ung bướu - phòng khám Elizabeth Au Oncology; Bác sĩ Foo Kian Fong chuyên khoa ung bướu - phòng khám Parkway Cancer Centre

Theo Tạp Chí Sức Khỏe tổng hợp

Bạn muốn đặt câu hỏi cho
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Ý kiến của bạn ({{ pagination.lastes.total }})
Bài viết khác - Ung bướu
{{ item.desc.name }}
{{ item.desc.name }}
Banner Hỏi đáp Bác sĩ Banner Cơ sở y tế banner 1 trong 4 box (Thư viện BS) Banner Trò chuyện cùng BS
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Sức Khoẻ

Vui lòng để lại thông tin và Chuyên khoa bạn quan tâm, Sức Khỏe sẽ gửi đến bạn những cập nhật mới nhất qua Email của bạn.