Nước và sức khỏe

BS. Nguyễn Thị Bay
  • Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ
  • Y học cổ truyền
  • Nguyên Trưởng Cơ sở 3
  • Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM
Xem thêm thông tin
Nước có nhiều vai trò trong cơ thể con người, chiếm khoảng 70% cơ thể chúng ta. Cụ thể hơn, 73% của não hay tim là nước và thậm chí phổi là đến 83%. Nước gần như là một trong những thành phần quan trọng nhất cấu thành nên tế bào và can thiệp vào mọi quá trình sinh học của cơ thể, đóng vai trò dung môi cho các hợp chất điện giải, đường, amino axít…

Nước vận chuyển chất dinh dưỡng đến tế bào, vận chuyển các tín hiệu sinh học giữa các tế bào. Bên cạnh đó, nước còn đóng vai trò duy trì thể tích máu và cho phép máu lưu thông bình thường, vốn rất quan trọng cho sự vận hành của các cơ quan và tế bào của cơ thể. Vì vậy, hệ tim mạch, hô hấp, tiêu hoá và sinh dục, thận và gan, não và hệ thần kinh ngoại biên đều cần được cung cấp nước đầy đủ để hoạt động một cách hiệu quả.

Vai trò chính của nước trong cơ thể

Đào thải chất cặn bã, loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể: Nước uống vào, được hấp thu vào mạch máu, di chuyển trong hệ tuần hoàn thực hiện các chức năng và cuối cùng được đưa đến thận, thận sẽ lọc đào thải các chất cặn bã - độc tố ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu và phân. Ngoài ra, nước giúp làm giảm quá trình oxy hóa làm chậm sự lão hóa, giúp tiêu hóa tốt hơn, không mắc bệnh táo bón đem lại sự tươi tắn cho cơ thể. Nếu không uống đủ nước, thận và hệ thống tiêu hóa sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ thải độc này của cơ thể.

Nước cung cấp vận chuyển chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể: Nước trong máu chiếm khoảng 80%, giúp mang chất dinh dưỡng và oxy đi khắp cơ thể đến các tế bào như các khoáng chất, vitamin và cả những thành phần cơ bản tạo ra năng lượng sống như tinh bột - đường, đạm, mỡ,...

Nước giúp chuyển hoá và tham gia các phản ứng trao đổi chất: Nước là dung môi hoà tan và vận chuyển các chất dinh dưỡng trong thức ăn mà cơ thể đã hấp thu.

Nước giúp cân bằng và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể: Cơ thể chúng ta điều chỉnh và kiểm soát thân nhiệt cơ thể qua các tuyến mồ hôi của da. Khi nắng nóng, da đổ mồ hôi và sự bay hơi của nước từ bề mặt da làm mát cơ thể.

Nước đóng vai trò như chất bôi trơn: Nước làm giảm sức ma sát ở khớp xương, giảm xóc cho mắt, não, tuỷ sống và cả đối với thai nhi trong nước ối.

Nước giúp phòng chống bệnh tật: Ngoài việc duy trì hoạt động cơ thể sống hằng ngày, nước đóng vai trò quan trọng trong phòng chống bệnh tật. Qua các nghiên cứu các nhà khoa học ghi nhận, uống đủ nước mỗi ngày (trung bình 2 lít) có thể giảm 45% nguy cơ ung thư ruột kết, giảm 50% nguy cơ ung thư bàng quang, thậm chí còn có thể giảm nguy cơ ung thư vú,...

Nhu cầu nước đối với sức khỏe

Trong quá trình từ sơ sinh đến trưởng thành, nhu cầu sử dụng nước cho cơ thể tăng dần khi ta lớn lên. Tuy nhiên, lượng nước dự trữ trong cơ thể lại ngày càng giảm dần. Ở trẻ nhũ nhi, khoảng 75-78% cơ thể là nước. Khi trẻ một tuổi, con số này giảm còn 72% và ở người trưởng thành, nước chiếm khoảng 60-70%. Do mối tương quan nghịch này mà việc bổ sung nước thường xuyên là rất quan trọng để đảm bảo sức khoẻ và tránh những ảnh hưởng xấu do thiếu nước gây ra. Khi bị thiếu nước, cơ thể sẽ ưu tiên đưa nước tới các cơ quan sinh tử như Não, Tim, Gan, Thận, Phổi, giảm nước tới các cơ quan ít quan trong đến sinh mạng như da, tiêu hóa, khớp xương,... vì vậy các dấu hiệu thiếu nước sẽ xuất hiện sớm ở các nơi này như thiếu nước mức độ nhẹ - trung bình, chúng ta có thể cảm thấy khát nước, miệng khô và dính, buồn ngủ, mệt mỏi, mỏi cơ, nhức đầu, xây xẩm, lượng nước tiểu giảm, ít hoặc không có nước mắt khi khóc,... Khi bị thiếu nước nặng, chúng ta có cảm giác khát khô, khô miệng - da - niêm, ít hay không chảy mồ hôi, tiểu ít hoặc thậm chí không tiểu, nước tiểu màu vàng sậm hoặc màu hổ phách, mắt thâm quầng, da khô nhăn và kém đàn hồi, huyết áp thấp, nhịp tim nhanh, sốt, mê sảng, thậm chí bất tỉnh,... Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khi thiếu nước nhiều, trẻ sẽ dễ buồn ngủ hay khóc, cáu bẳn.   

Để tránh gặp phải các trường hợp nêu trên, chúng ta nên cung cấp nước thường xuyên và đủ lượng. Lượng nước cung cấp cho cơ thể đến từ ba nguồn: Nước uống, thức ăn và từ các quá trình chuyển hoá trong cơ thể. Nước từ thức ăn chiếm 20-30% và nước từ thức uống chiếm 70-80% tổng lượng nước trong cơ thể.

Đối với nước uống, khi nghỉ ngơi và không vận động, lượng nước cần uống một ngày là 1,5 lít. Đối với một người trưởng thành, lượng nước cần uống là 2 lít cho nữ và 2,5 lít nước cho nam. Để không quên uống nước, chúng ta có thể tập thói quen mang theo bình nước khi đi làm. Bên cạnh đó, chọn uống nước nguyên chất thay vì nước ngọt. Ngoài cung cấp nước, thói quen này còn giúp ta kiểm soát cân nặng. Cứ mỗi 0,5 lít nước ngọt được thay thế bằng nước lọc sẽ giúp bạn giảm được 240 calories. Đây là điều mà người thừa cân - béo phì cần biết rõ nhằm giúp giảm cân. Thêm chanh vào nước uống sẽ làm tăng khẩu vị và giúp ta uống nhiều nước hơn. Bên cạnh nước uống, thực phẩm cũng góp phần bổ sung nước cho cơ thể. Các loại trái cây như dưa hấu, bưởi, mãng cầu xiêm, chanh dây, me, cam, vải,...; hay các loại rau củ như bí đỏ, rau chân vịt, cải, cà chua, cải bẹ xanh, măng tây,... chứa rất nhiều nước. Thịt, cá và phô-mai chứa hơn 50% nước nhưng đây không phải là nguồn cung cấp nước tốt vì chúng rất giàu protein, sẽ kích thích bài tiết nước qua đường tiểu. Do vậy, dù sử dụng nhiều các thực phẩm chứa nhiều nước, chúng ta cũng không nên quên uống nước lọc, tốt nhất là nước đun sôi để nguội.

Ngoài ra, không nên đợi đến khi khát mới uống, mà cần chủ động và thường xuyên uống đủ nước, nhất là khi lao động quá sức, ra mồ hôi nhiều. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, không nên uống quá nhiều nước trong một ngày. Khi nước thừa sẽ tăng tổng lượng máu cho cơ thể, tăng gánh nặng cho tim - mạch máu và cho thận ,... các cơ quan này sẽ tăng cường làm việc, lọc máu để đẩy lượng thừa ra ngoài, lâu ngày ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của chúng và có thể trở thành bệnh tật. tùy thuộc mỗi cơ thể, mức độ uống trên 4-5 lít nước mỗi ngày sẽ có nguy cơ ngộ độc nước.  

Nước liên quan đến sức khỏe phải là nước sạch

Nước sạch đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và cuộc sống của con người. Nước sạch không chỉ là trong, không màu, không mùi, không vị mà còn phải an toàn đối với sức khỏe của người sử dụng. Nếu sử dụng nước không sạch thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, vì nước là môi trường trung gian chuyển tải các chất hóa học và các loại vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng gây bệnh mà mắt thường không nhìn thấy được.

- Các hóa chất thường gặp trong nước như sắt, chì, măng gan, asen, thủy ngân, nitrit, nitrat, amoni, hóa chất bảo vệ thực vật, các sản phẩm dầu, mỡ và các hóa chất dùng trong công nghiệp,... Nếu hàm lượng của các chất này trong nước vượt quá tiêu chuẩn cho phép sẽ gây hại đối với sức khỏe như ngộ độc kim loại nặng (asen, thủy ngân, chì, hóa chất bảo vệ thực vật). Nếu hàm lượng hóa chất thấp hơn, có thể chưa ảnh hưởng ngay đến sức khỏe, nhưng các hóa chất có khả năng tích tụ trong các mô của cơ thể, về lâu dài có thể gây nên các bệnh nhiễm độc mãn tính hoặc ung thư.

- Việc sử dụng nước bị nhiễm bẩn các yếu tố vi sinh vật cũng là nguyên nhân gây nên các bệnh hoặc các vụ dịch đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn. Nước cũng như thực phẩm rất dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn E. Coli, Salmonella gây bệnh tiêu chảy, phẩy khuẩn tả gây bệnh tả,... Nhiều người dùng chung một nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh có thể gây bùng phát các vụ dịch trong cộng đồng và nếu phân hoặc chất thải của những người này không được quản lý tốt, gây ô nhiễm môi trường thì dịch bệnh lại càng có nguy cơ lan rộng hơn.

Trong tháng 3 hằng năm, kể từ năm 2003 Liên hiệp quốc đã chọn ngày 22 tháng 3 là “ngày nước thế giới” (World Water Day) để vinh danh tầm quan trọng của nước đối với sức khỏe con người, đồng thời để thực hiện các khuyến cáo về nước sạch, qua đó thúc đẩy các hoạt động cụ thể trong các quốc gia của họ liên quan đến tài nguyên nước của thế giới. Nhận thức tầm quan trọng này, tổ chức y tế thế giới cũng đã kêu gọi mọi người trên toàn thế giới chung tay bảo vệ và góp phần làm sạch nguồn nước của nhân loại, cũng là để bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh cho mỗi người chúng ta.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay

Nguyên Trưởng bộ môn bệnh học,

Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y dược TP. HCM

Theo Tạp chí Sức Khỏe - khoe24h.vn

Bạn muốn đặt câu hỏi cho Nguyễn Thị Bay
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Ý kiến của bạn ({{ pagination.lastes.total }})
Bài viết khác của Nguyễn Thị Bay
{{ item.desc.name }}
Bài viết khác - Y học cổ truyền
{{ item.desc.name }}
{{ item.desc.name }}
Banner Hỏi đáp Bác sĩ Banner Cơ sở y tế banner 1 trong 4 box (Thư viện BS) Banner Trò chuyện cùng BS
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Sức Khoẻ

Vui lòng để lại thông tin và Chuyên khoa bạn quan tâm, Sức Khỏe sẽ gửi đến bạn những cập nhật mới nhất qua Email của bạn.