Thứ tư, 07/10/2020, 03:31 (GMT+7)

Lao phổi - Phổ biến và Nguy hiểm!

BS. Ngô Thế Hoàng
  • Bác sĩ Chuyên khoa II
  • Hô hấp
  • Trưởng khoa
  • Bệnh viện Thống Nhất
Xem thêm thông tin
Theo văn phòng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, mỗi năm nước ta có đến 180.000 ca bệnh và khoảng 17.000 trường hợp tử vong do lao, cao gấp 2 lần so với số người tử vong tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, Việt Nam còn nằm trong nhóm 27 quốc gia có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao, khoảng 3.500 ca lao kháng đa thuốc/năm.

Làm thế nào để phát hiện lao phổi?

Lao phổi là nguồn lây chính cho người xung quanh, đặc biệt người bệnh có vi khuẩn (xác định bằng xét nghiệm đàm soi kính trực tiếp) làm cho bệnh lao tồn tại ở mọi quốc gia qua nhiều thế kỷ. Vì vậy, phát hiện và điều trị khỏi lao phổi là nhiệm vụ quan trọng của chương trình chống lao ở nước ta, cũng như nhiều nước trên thế giới. Bệnh cảnh lâm sàng của lao phổi rất đa dạng và thường diễn biến mạn tính. Nếu được phát hiện sớm thì điều trị sẽ có kết quả tốt, nhưng nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh sẽ có nhiều biến chứng, kết quả điều trị hạn chế, người bệnh có thể trở thành nguồn lây với chủng vi khuẩn lao kháng thuốc.

Đặc điểm của vi khuẩn lao

Vi khuẩn lao sống sót trong điều kiện tự nhiên từ 3 - 4 tháng, trong phòng thí nghiệm có thể bảo quản vi khuẩn nhiều năm, trong đàm ở phòng tối - ẩm vi khuẩn tồn tại 3 tháng mà vẫn giữ được độc lực. Tuy nhiên, vi khuẩn lao sẽ bị giết dưới ánh nắng mặt trời sau 90 phút, ngừng phát triển ở 42°C và chết sau 10 phút ở 100°C. Cồn 90° tiêu diệt được vi khuẩn lao trong 3 phút. Trong acid phenic 5% vi khuẩn chỉ sống được khoảng 1 phút. Đặc biệt, vi khuẩn thay đổi khả năng gây bệnh dưới ảnh hưởng của môi trường và có khả năng kháng thuốc điều trị lao.

Bệnh lao phổi lây như thế nào?

Lao phổi lây truyền như thế nào?

Bệnh lao phổi rất dễ lây truyền qua đường hô hấp. Vi khuẩn lao lan truyền từ người này sang người khác qua không khí. Khi người lao phổi ho, hắt hơi, nói chuyện... sẽ bắn ra các hạt rất nhỏ, trong các hạt này có chứa vi khuẩn lao (mắt thường không nhìn thấy), lơ lửng trong không khí, phân tán ra xung quanh. Người lành hít phải các hạt này hoặc tiếp xúc với các chất thải có chứa vi khuẩn lao như đàm dãi, nước bọt... hay dùng chung đồ như khăn mặt, chậu, bát đũa... thì có thể bị lây bệnh. Ngoài ra, người sống trong môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi, ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn lao phát triển và gây bệnh hoặc do ăn phải thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn lao, tiếp xúc với thú nuôi nhiễm lao...

Nếu hít phải không khí có vi khuẩn lao, vi khuẩn sẽ vào phổi. Tuy nhiên, hệ miễn dịch sẽ ngăn lại và làm cho vi khuẩn bất hoạt và không thể gây bệnh. Có những người vi khuẩn lao ở trạng thái tiềm ẩn trong cơ thể suốt đời. Do đó, hệ thống miễn dịch là yếu tố quan trọng giữ cho vi khuẩn lao ở trạng thái bất hoạt và ngăn cản vi khuẩn phát triển.

Nên điều trị lao phổi ở đâu?

Những ai dễ mắc bệnh lao phổi?

Lao phổi có thể xảy ra với bất cứ ai. Tuy nhiên, các nhóm đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với bình thường:

- Tiếp xúc thường xuyên với người mắc bệnh lao (thân nhân, bác sĩ, y tá chăm sóc...).

- Môi trường sống không sạch sẽ, điều kiện y tế kém.

- Mắc bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch (HIV, ung thư...).

- Có bệnh mạn tính đi kèm (đái tháo đường, suy thận…).

- Nghiện thuốc lá, rượu bia, ma túy, các chất kích thích...

- Sử dụng thuốc gây ức chế miễn dịch (corticosteroid, hóa chất điều trị ung thư...).

Tuổi nào thường dễ mắc bệnh?

- Lao phổi thường gặp ở người lớn.

- Ở trẻ em, lao phổi hay gặp ở trẻ 10 - 14 tuổi, đây là lứa tuổi có nhiều thay đổi về nội tiết, bệnh lao có những đặc điểm riêng. Do sức đề kháng giảm nên tỉ lệ lao phổi ở người già cũng gặp nhiều hơn.

Làm thế nào để không bị lao phổi?

Các dấu hiệu và triệu chứng lao phổi là gì?

- Đa số trường hợp bệnh bắt đầu một cách từ từ với các triệu chứng nhiễm lao chung: mệt mỏi, giảm khả năng làm việc, ăn kém, gầy sút, sốt nhẹ về chiều tối (37,5 - 38ºC) kèm theo ra mồ hôi về ban đêm, da xanh... Hay gặp nhất là ho khạc đàm nhầy, vàng nhạt, có thể màu xanh hoặc mủ đặc. Đây là triệu chứng quan trọng, cần được xét nghiệm sớm để chẩn đoán. Cũng có thể bắt đầu bằng triệu chứng ho ra máu ít, có đuôi khái huyết hoặc đau ngực nhưng không thường xuyên, thường đau khu trú ở một vị trí cố định.

- Thời kỳ toàn phát thì các triệu chứng bắt đầu nặng dần lên và diễn biến từng đợt, có thời gian giảm sau đó lại trở lại với mức độ nặng hơn. Nếu không được phát hiện và điều trị thì bệnh ngày càng nặng. Người bệnh suy kiệt, da xanh, niêm nhợt, sốt dai dẳng về chiều và tối. Ho ngày càng tăng, có thể ho ra máu nhiều. Đau ngực liên tục. Khó thở tăng cả khi nghỉ ngơi. Muộn hơn, lồng ngực bên bệnh bị lép do các khoang liên sườn hẹp lại.

Làm thế nào để không bị lao phổi?

Vậy khi nào cần gặp bác sĩ?

Các chuyên gia khuyến cáo nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào dưới đây:

- Ho dai dẳng kéo dài quá ba tuần.

- Ho khạc đàm đặc hoặc có lẫn máu.

- Sụt cân ngoài ý muốn.

- Toàn thân suy nhược, bần thần.

- Đau ngực.

- Sốt kéo dài chưa rõ nguyên nhân...

Cần lưu ý những dấu hiệu trên không chỉ cảnh báo lao phổi mà đôi khi có liên quan đến vấn đề sức khỏe khác. Hơn nữa, cơ địa mỗi người mỗi khác. Vì vậy, việc khám bệnh và tư vấn bác sĩ là điều cần thiết phải làm.

Tiến triển và biến chứng của lao phổi như thế nào?

Tiến triển tốt

Nếu được phát hiện sớm và chữa kịp thời, các triệu chứng sẽ giảm và hết (sau 1- 2 tuần). Vi khuẩn trong đàm sẽ âm hóa sau 1 - 2 tháng điều trị. Tổn thương ở phổi có thể xóa hết hoặc chỉ để lại một vài nốt vôi hoặc dải xơ.

Tiến triển không tốt

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì đa số trường hợp bệnh diễn biến từng đợt, triệu chứng ngày càng nặng lên và có thể có các biến chứng:

- Ho ra máu: Là biến chứng thường gặp. Trường hợp ho ra máu nhiều, ồ ạt người bệnh có thể tử vong. Đây là một cấp cứu phải xử trí kịp thời.

- Tràn khí màng phổi: Do vỡ hang lao hoặc vỡ phế nang bị giãn. Đau ngực đột ngột kèm theo khó thở. Đây cũng là một cấp cứu, cần phải chẩn đoán và xử trí kịp thời.

- Bội nhiễm phổi: sốt cao, ho nhiều đờm... Cần phải điều trị phối hợp thêm kháng sinh.

- Lao nhiều bộ phận trong cơ thể: Từ phổi, vi khuẩn lao theo đường máu và bạch huyết gây lao ở nhiều bộ phận như lao hạch, lao các màng, lao xương khớp... Trong đó, lao màng não là thể lao nặng nhất, bệnh nhân có thể tử vong.

- Tâm phế mạn: Do giảm diện tích phổi tham gia hô hấp, bệnh nhân bị suy hô hấp kéo dài, dẫn đến tâm phế mạn, cuối cùng là tử vong trong bệnh cảnh suy tim, suy hô hấp.

Điều trị lao phổi như thế nào?

Vậy điều trị lao như thế nào?

- Do có nhiều thuốc chữa lao ra đời, mà việc điều trị bệnh lao nói chung và lao phổi nói riêng đã đạt được những kết quả tốt. Tuy nhiên kết quả điều trị phụ thuộc nhiều vào thời gian phát bệnh sớm hay muộn.

- Điều trị lao phổi chủ yếu là điều trị nội khoa. Việc điều trị phải theo đúng nguyên tắc chữa bệnh lao. Đối với người có bệnh gan, thận kèm theo thì cần cân nhắc từng trường hợp cụ thể mà sử dụng thuốc cho hợp lý. Hiện nay, ở nước ta đã áp dụng các phác đồ để điều trị lao phổi: lao phổi mới, lao phổi thất bại, tái phát, lao trẻ em, phụ nữ có thai, lao kê...

- Bác sĩ chuyên khoa là người cân nhắc và chọn phác đồ điều trị thích hợp cho từng đối tượng bệnh nhân.

Lưu ý cho người bệnh lao trong quá trình điều trị

- Tuân thủ liệu trình điều trị, uống thuốc đều đặn, điều trị liên tục trong 8 tháng, bệnh có thể hoàn toàn khỏi.

- Cần đến khám định kỳ mỗi tháng 1 lần để được bác sĩ điều chỉnh điều trị.

- Nếu thấy có tác dụng phụ của thuốc như mờ mắt, chóng mặt, vàng da, vàng mắt cần đến gặp bác sĩ để ngừng thuốc hoặc điều chỉnh thuốc.

- Không hút thuốc lá, uống rượu trong quá trình điều trị.

- Không cần phải ăn kiêng, ngoại trừ có bệnh đái tháo đường.

- Cần xét nghiệm đàm 3 lần trong 8 tháng điều trị để đánh giá hiệu quả điều trị.

- Bên cạnh đó, người bệnh cần phòng lây nhiễm cho người xung quanh bằng cách:

- Che miệng và quay mặt về phía khác khi ho, hắt hơi.

- Không khạc nhổ đàm bừa bãi, cần khạc đàm vào giấy rồi gói lại và đốt đi.

- Nếu có điều kiện thì ngủ ở phòng riêng có thông khí tốt.

- Khuyên những người trong gia đình đi khám bệnh xem có bị lây nhiễm không.

Phòng ngừa lao phổi như thế nào?

Phòng ngừa lao phổi?

Để phòng ngừa sự lây truyền của lao phổi, nên áp dụng một số biện pháp phòng chống như sau:

Với người chưa bị bệnh

- Tiêm phòng bệnh lao: tiêm BCG (văc xin phòng lao) cho trẻ ngay tháng đầu sau sinh trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

- Sử dụng khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với người bệnh lao phổi.

- Che miệng khi hắt hơi, rửa tay sạch sẽ thường xuyên, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh.

- Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nơi ở, nơi làm việc.

- Khám sức khỏe định kỳ để nhanh chóng phát hiện bệnh lý và được điều trị kịp thời.

Người bệnh lao phổi

- Tránh lây nhiễm cho người lành bằng cách không ngủ cùng phòng với người khác, không đến nơi đông người.

- Người bệnh phải đeo khẩu trang, khi ho, hắt hơi phải che miệng, khạc đờm vào chỗ quy định và đờm hoặc các vật chứa nguồn lây phải được xử lý đúng phương pháp.

- Tận dụng ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt cho nơi ở và các vật dụng của người bệnh vì dưới ánh nắng mặt trời, vi khuẩn sẽ bị giết chết, nhưng trong môi trường ẩm thấp, thiếu ánh nắng, nó sẽ tồn tại rất lâu.

- Thực hiện lối sống lành mạnh như: ăn uống hợp lý, ngủ đầy đủ, tập thể dục đều đặn và không sử dụng các chất gây nghiện như ma túy, rượu bia, thuốc lá...

Tóm lại

Lao phổi là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, có thể phòng tránh và chủng ngừa được. Nếu mắc bệnh, cần được phát hiện và điều trị sớm sẽ có kết quả tốt và giảm thiểu biến chứng.

BS CKII Ngô Thế Hoàng

Trưởng khoa Hô hấp - BV Thống Nhất

Theo Tạp chí Sức Khỏe

Bạn muốn đặt câu hỏi cho Ngô Thế Hoàng
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Ý kiến của bạn ({{ pagination.lastes.total }})
Bài viết khác của Ngô Thế Hoàng
{{ item.desc.name }}
Bài viết khác - Hô hấp
{{ item.desc.name }}
{{ item.desc.name }}
Banner Hỏi đáp Bác sĩ Banner Cơ sở y tế banner 1 trong 4 box (Thư viện BS) Banner Trò chuyện cùng BS
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Sức Khoẻ

Vui lòng để lại thông tin và Chuyên khoa bạn quan tâm, Sức Khỏe sẽ gửi đến bạn những cập nhật mới nhất qua Email của bạn.