Hạ đường huyết – Nguy hiểm hơn vẫn nghĩ

Với tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ngày càng gia tăng cùng với sự ra đời nhiều phương thức điều trị nhằm kiểm soát tích cực nồng độ glucose trong máu, luôn có nguy cơ tăng xảy ra biến cố hạ đường huyết. Theo thống kê, trung bình ở người bệnh tiểu đường đang điều trị thì có ít nhất một lần ghi nhận triệu chứng hạ đường huyết trong năm và hạ đường huyết là một cấp cứu nội khoa rất thường gặp. Dù không phải là bệnh hiểm nghèo, cũng không có "giờ vàng cấp cứu" như tai biến mạch máu não, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, kịp thời có thể dẫn đến tổn thương não không hồi phục (sống thực vật), thậm chí tử vong.

 

Hạ đường huyết là gì?

Hạ đường huyết là tình trạng mức đường trong máu giảm rất thấp. Khi đường huyết < 70mg/dL (3,9mmol/L) thì được coi là hạ đường huyết, tuy nhiên các triệu chứng thường biểu hiện rõ khi đường trong máu < 50mg/dL (2,75mmol/L).

Hạ đường huyết có nguy hiểm không?

Nếu không nhận biết các dấu hiệu của hạ đường huyết, mức đường trong máu tiếp tục bị giảm thấp, não của chúng ta sẽ không có đủ đường để hoạt động. Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhìn mờ, khó tập trung, lú lẫn, nói khó, tê bì và lơ mơ. Nếu lượng đường trong máu tiếp tục giảm thấp trong thời gian dài, sẽ dẫn tới tình trạng co giật, hôn mê và tử vong. Ngoài ra, hạ đường huyết cũng làm tăng nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch như loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim... là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho bệnh nhân tiểu đường. Hạ đường huyết còn là yếu tố góp phần tăng nguy cơ té ngã, chấn thương ở người cao tuổi và tăng nguy cơ tai nạn giao thông.  

Hạ đường huyết có biểu hiện thế nào?

Tùy theo mức độ hạ đường huyết và cơ địa mỗi cá nhân, các dấu hiệu có thể bao gồm:

Nhịp tim không đều.

Mệt mỏi, bủn rủn tay chân.

Da xanh tái.

Run tay.

Lo lắng.

Vã mồ hôi.

Cảm giác đói.

Đức đầu, kích động, cáu gắt

Cảm giác tê, châm chích quanh môi.

Khi tình trạng hạ đường huyết trầm trọng hơn, các dấu hiệu có thể bao gồm:

Lú lẫn, rối loạn tâm thần cấp tính.

Nhìn mờ.

Co giật.

Mất ý thức, hôn mê.

Phản ứng của cơ thể với tình trạng hạ đường huyết ở mỗi người khác nhau. Do đó nên cố gắng để ý và ghi nhớ các dấu hiệu xảy ra ở mỗi cá nhân khi đường huyết thấp. Cách duy nhất để xác định thực sự bị hạ đường huyết là đo lượng đường trong máu. Tuy nhiên, nếu không có điều kiện để thử đường máu tại thời điểm có triệu chứng hạ đường huyết thì nên vẫn điều trị hạ đường huyết tại nhà ngay, bằng việc uống nước trái cây hoặc các loại nước có ga, ăn kẹo hoặc uống viên đường.  

Cần cảnh giác với tình trạng hạ đường huyết không triệu chứng

Theo thời gian, những lần hạ đường huyết lặp đi lặp lại có thể dẫn đến tình trạng hạ đường huyết không triệu chứng. Não bộ và cả cơ thể không còn tạo ra các dấu hiệu cảnh báo hạ đường huyết như run, nhịp tim không đều... làm nguy cơ xảy ra hạ đường huyết nặng, đe dọa tính mạng sẽ tăng lên. Hạ đường huyết gây ra nỗi ám ảnh là vậy. Điều này có thể khiến người bệnh tiểu đường e ngại với việc điều trị bằng Insulin, hay các thuốc viên. Tuy nhiên, để mức đường huyết cao kéo dài không điều trị cũng rất nguy hiểm, gây tổn thương cho hệ thần kinh, mạch máu và nhiều cơ quan trong cơ thể.

 

Nguyên nhân của hạ đường huyết?

Hạ đường huyết phần lớn xảy ra ở người bệnh tiểu đường và có liên quan đến thuốc men, chế độ ăn uống và vận động thể lực, bao gồm: Insulin/Các thuốc viên điều trị Đái tháo đường

Sử dụng quá liều Insulin hoặc các thuốc điều trị đái tháo đường là nguyên nhân thường gặp nhất gây hạ đường huyết ở người bệnh tiểu đường. Trong đó việc sử dụng Insulin gây trở ngại nhiều hơn cho bệnh nhân, cũng gây ra nguy cơ hạ đường huyết cao hơn. Việc chích nhầm loại Insulin, quá liều, hoặc tiêm bắp (thay vì tiêm dưới da) Insulin đều có thể gây hạ đường huyết. Thức ăn Việc ăn uống không đúng cũng có thể dẫn tới hạ đường huyết:

Ăn quá ít carbonhydrate (chất bột đường) hơn bình thường, mà không giảm liều thuốc hạ đường huyết uống hoặc Insulin.

Bỏ bữa ăn, uống thuốc hoặc chích Insulin quá xa bữa ăn.

Các thành phần khác trong bữa ăn (lượng chất béo, chất đạm và chất xơ) cũng có thể ảnh hưởng tới sự hấp thu của tinh bột.

Hoạt động thể lực

Tập thể dục có rất nhiều lợi ích. Bệnh nhân tiểu đường đều được khuyến cáo hoạt động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, ở hầu hết các ngày trong tuần.  Tuy nhiên mức độ gắng sức khi tập thể dục, thời gian và thời điểm tập trong ngày đều có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết. Nếu tập thể dục kéo dài hơn hoặc gắng sức nhiều hơn bình thường, thì tình trạng hạ đường huyết có thể xảy ra. Ở người không mắc bệnh tiểu đường, hạ đường huyết ít khi xảy ra. Có thể xảy ra hạ đường huyết ở các đối tượng như: nghiện rượu; suy gan, suy thận, nhiễm trùng nặng; ngộ độc; nhịn ăn kéo dài sau mổ đường tiêu hóa; khối u tiết Insulin...  

Xử trí ban đầu hạ đường huyết như thế nào?

Cần can thiệp ngay khi mức đường huyết thấp hơn 70mg/dL hay 3.9mmol/L. Nếu người bệnh còn tỉnh táo và nuốt được: Có thể áp dụng “qui tắc 15/15”

Cho ăn hay uống thực phẩm chứa 15g Glucose và đợi 15 phút, sau đó đo lại đường huyết. Nếu đường huyết vẫn < 70 mg/dl, lập lại qui trình trên cho đến khi đường huyết > 100 mg/dl. Thức ăn tương đương 15g Glucose:

2 hay 3 viên đường.

1/2 ly nước trái cây bất kỳ nào.

1/2 ly nước ngọt.

1 ly sữa.

5 hay 6 viên kẹo.

5ml hay 1 thìa canh đường hay mật ong.

Vì đường huyết có thể sẽ tiếp tục hạ trở lại sau khi đã uống hay ăn thực phẩm chứa carbohydrate, do vậy nên kiểm tra lại đường huyết mỗi 60 phút sau khi điều trị. Đối với người bệnh tiểu đường đang điều trị bằng thuốc uống hoặc Insulin thì cần đến gặp Bác sỹ để được tư vấn về chế độ ăn uống, sinh hoạt hoặc điều chỉnh lại liều thuốc đang sử dụng.

Nếu hạ đường huyết gây lú lẫn, co giật, hôn mê Tuyệt đối không được mở miệng bệnh nhân để đổ nước đường hay thức ăn vào miệng vì khi bệnh nhân lơ mơ, hôn mê, việc làm này có thể gây tắc nghẽn đường thở nguy hiểm đến tính mạng. Gọi ngay cấp cứu 115 hoặc chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong lúc đợi xe cấp cứu hoặc vận chuyển cho bệnh nhân nằm nghiêng ở vị trí an toàn.

Phòng ngừa xảy ra hạ đường huyết

Đối với người bệnh tiểu đường

Tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ về chế độ dùng thuốc, ăn uống và vận động thể lực. Không kiêng khem quá mức, bỏ bữa ăn vì mệt mỏi hoặc do các bệnh lý khác...

Không nên nhịn đói, hoặc để cơ thể bị đói quá lâu, không nên nhịn ăn mà hoạt động thể lực quá mức.

Thường xuyên kiểm tra đường huyết tại các cơ sở y tế hoặc có thể tự làm kiểm tra tại nhà bằng cách theo dõi đường máu mao mạch theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.

Cần có chế độ tập luyện thường xuyên, phù hợp đối với từng người theo tư vấn của bác sĩ điều trị.

Luôn luôn có sẵn đường hoặc các sản phẩm có đường như kẹo, bánh, sôcôla, nước ngọt có đường... trong túi, trong cặp để lúc xảy ra hạ đường huyết là có thể dùng ngay.

Nếu không bị bệnh tiểu đường nhưng lại bị hạ đường huyết tái phát: Ăn nhiều bữa nhỏ thường xuyên trong ngày là biện pháp tạm thời giúp ngăn chặn lượng đường trong máu xuống quá thấp. Tuy nhiên, cách tiếp cận này không phải là một chiến lược dài hạn được khuyến khích. Nên tới gặp bác sỹ để xác định và điều trị nguyên nhân của hạ đường huyết.

BS CKII Nguyễn Quang Dũng

Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Theo Tạp chí Sức Khỏe - khoe24h.vn

                 

Bạn muốn đặt câu hỏi cho
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Ý kiến của bạn ({{ pagination.lastes.total }})
Bài viết khác - Nội tiết - Đái tháo đường
{{ item.desc.name }}
{{ item.desc.name }}
Banner Hỏi đáp Bác sĩ Banner Cơ sở y tế banner 1 trong 4 box (Thư viện BS) Banner Trò chuyện cùng BS
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Sức Khoẻ

Vui lòng để lại thông tin và Chuyên khoa bạn quan tâm, Sức Khỏe sẽ gửi đến bạn những cập nhật mới nhất qua Email của bạn.