Dinh dưỡng trong mùa dịch Covid-19, sao cho đúng?

BS. Dương Công Minh
  • Thạc sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa II
  • Dinh dưỡng - Tiết chế
  • Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế
  • Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố
Xem thêm thông tin
Hiện nay, trong mùa dịch COVID-19, bên cạnh những vấn đề thiết thực như tránh ra ngoài nếu không cần thiết, áp dụng những biện pháp như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang ở nơi đông người và cần làm theo những hướng dẫn của các ngành chức năng thì vấn đề dinh dưỡng như thế nào để tăng sức đề kháng là một vấn đề rất quan trọng. Cuộc trao đổi cùng ThS. BS Dương Công Minh - Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế sẽ giải đáp nhiều câu hỏi mà mọi người quan tâm về vấn đề này.

ThS. BS Dương Công Minh

  1. Thưa BS, trong mùa dịch này, những nguyên tắc nào về dinh dưỡng cần tuân thủ?

BS Dương Công Minh: Đây là một quá trình lâu dài qua nhiều ngày nhiều tháng, không thể ăn trong 1 giờ, 1 ngày để có thể nâng cao sức đề kháng của chúng ta được. Tuy nhiên, nguyên tắc chính của vấn đề này là:

Về phân bố thời gian ăn, tức một ngày phải ăn đủ 3 bữa chính, trong đó, buổi sáng rất quan trọng vì sau khi qua 1 đêm, cơ thể chúng ta đã tiêu hao năng lượng qua 8 tiếng trong khi ngủ. Vì vậy, khi thức dậy cần phải cung cấp năng lượng để tái tạo lại sức lao động phục vụ cho một ngày làm việc. Nhưng hiện nay, vẫn còn rất nhiều người ăn sáng rất ít, thậm chí bỏ bữa sáng, điều này không nên.

Đối với trẻ nhỏ, thanh thiếu niên cần có sự tăng trưởng, phát triển thì chúng ta nên nhớ cho các trẻ ăn thêm các bữa phụ vào lúc 9h, 15h hay tối trước khi đi ngủ có thể bổ sung thêm sữa.

Đặc biệt, để tăng sức đề kháng trong mùa này, đừng quên cho trẻ uống đủ nước. Sữa là phải uống đủ theo độ tuổi. Thông thường trẻ em khoảng 600ml hằng ngày. Sau khi trừ lượng sữa này đi, nhu cầu nước còn lại được cung cấp bằng nước lọc là ổn.

Nguyên tắc tính lượng nước cho trẻ có thể thực hiện như sau: - Trẻ nhỏ (dưới 12 tháng): lượng nước uống theo công thức đơn giản 100ml/kg cân nặng. Ví dụ: bé 12 tháng, nặng 9kg » lượng nước cần cung cấp 01 ngày là 100ml x 9 = 900 ml/ngày (sữa + canh, nước lọc...). - Trẻ lớn (trên 12 tuổi hoặc trên 10kg): lượng nước uống tối thiểu là 50ml/kg cân nặng. Ví dụ: bé 10 tuổi, nặng 30kg » lượng nước cần cung cấp 01 ngày là 50ml x 30 = 1.500 ml/ngày (1,5 lít). (Khi trời nóng, trẻ chạy nhảy đổ mồ hôi nhiều hoặc tham gia nhiều hoạt động thể lực mạnh có thể cộng thêm từ 0.5 - 1 lít /ngày cho bé).

Để cho sức đề kháng tốt, ngoài bổ sung chất dinh dưỡng từ việc ăn và uống, mọi người phải đảm bảo có giấc ngủ tốt, vì nếu chúng ta không có giấc ngủ tốt, không đảm bảo khả năng tái tạo sức lao động thì không thể tăng sức đề kháng. Đối với người lớn, giấc ngủ trong đêm rất quan trọng, đảm bảo từ 7 - 8 tiếng là đủ. Còn đối với trẻ em, một giấc ngủ đảm bảo từ 8 - 10 tiếng là được.

Người già, người cao tuổi thường giảm cảm giác khát và biếng ăn, nên chúng ta phải luôn nhớ chuẩn bị nước sẵn và đo được lượng nước cần sử dụng hằng ngày khoảng 2 - 2,5 lít nước và cho uống thành nhiều ngụm nhỏ, uống liên tục, không để khát rồi mới uống.

  1. Hiện nay, nhiều người có tâm lý trữ lương thực - thực phẩm, đặc biệt là mì tôm. Có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề sử dụng mì tôm: đây là loại thực phẩm tiện lợi, có thể dùng để dự trữ trong nhà, tuy nhiên một số ý kiến khác cho rằng dùng nhiều mì tôm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Bác sĩ nghĩ sao về vấn đề này?

BS Dương Công Minh: Do tâm lý đám đông, nên trước khi dịch xảy ra thì nhiều người đã đi mua rất nhiều lương thực - thực phẩm để dự trữ, trong đó phần đông là dự trữ mì tôm. Ở đây tôi thấy một số điểm bất lợi: 

Lý do đầu tiên, các cơ quan hữu trách và nhà nước đã đảm bảo cung cấp đầy đủ lượng hàng thực phẩm, lương thực và thậm chí nếu chúng ta bị cách ly thì sẽ được tiếp tế lương thực, thực phẩm hằng ngày, đảm bảo cả về vấn đề dinh dưỡng, nên chúng ta không cần phải dự trữ bất cứ thứ gì không cần thiết. Chưa kể, việc dự trữ sẽ dẫn đến những vấn đề về hạn sử dụng và bình ổn giá.

Quay trở lại vấn đề mì tôm, công nghệ làm mì tôm đã trở nên rất tiến bộ so với trước đây ở tất cả mọi ngưỡng phụ gia, nguyên liệu... Nên chúng ta không nên nghĩ đến việc ăn vào sẽ bị đái tháo đường, huyết áp hoặc các bệnh lý ung thư. Vấn đề chính là ăn mì thế nào mới là khoa học? Thành phần chính của mì tôm chính là bột lúa mỳ, cũng giống như các lương thực khác như gạo, nếp, sắn, khoai...

Nếu chúng ta có bệnh lý đái tháo đường, sợ tăng lượng bột đường không cần thiết, ta có thể ăn một cách chừng mực ví dụ như nửa gói mỳ tôm một ngày. Nếu như chúng ta bị cao huyết áp có thể không sử dụng gói phụ gia vì sẽ tăng mặn không tốt cho sức khỏe. Nếu cần phải đảm bảo dinh dưỡng cân đối, chúng ta có thể ăn kết hợp chế biến mỳ tôm với những thực phẩm khác nhằm cân đối dinh dưỡng đủ bao gồm đạm - đường - béo... bằng cách thêm rau, thịt, cá, xúc xích. Và đừng quên, hãy đảm bảo rằng mì tôm phải được mua của những thương hiệu được Cục An toàn Thực phẩm, Bộ y tế cho phép lưu hành. Chưa kể, không nên ăn mỳ tôm liên tục hằng ngày như 01 lương thực chính, chỉ sử dụng mỳ tôm như một bữa ăn thay thế khi ta không có thời gian nhiều cho việc nấu nướng.

Biết ăn một cách khoa học là then chốt của mọi vấn đề.  

  1. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang bị bỏ sót trong mùa dịch Covid-19 vì mọi người chỉ quan tâm đến việc đảm bảo dinh dưỡng. Chẳng hạn như nhiều người ở khu cách ly được gia đình tiếp tế lương thực và có xu hướng ăn theo sở thích, khẩu vị của mình. Xin bác sĩ đưa ra một số lời khuyên về vấn đề này?

BS Dương Công Minh: Một trong những yếu tố rất quan trọng trong mùa dịch này đó chính là an toàn thực phẩm. Chúng ta phải chọn những thực phẩm có xuất xứ rõ ràng và ăn những món đã từng sử dụng. Đây không phải là giai đoạn khám phá... thiên đường ẩm thực, vì nếu ăn một món ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ gây ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng tiêu hóa, có thể dẫn đến tiêu chảy cấp khiến cơ thể mất nước đều có thể dẫn đến giảm sức đề kháng cơ thể, như vậy, khả năng chống chọi với COVID-19 hẳn yếu đi thấy rõ. Và lời nhắn nhủ gửi đến những người đang được cách ly: Nên ăn khẩu phần ăn theo đủ dinh dưỡng theo quy định của bộ phận cung cấp thực phẩm ở nơi cách ly nhằm đảm bảo nguồn gốc rõ ràng. Tôi thấy rất nhiều gia đình đang tiếp tế thực phẩm vào cho người thân của mình có cả bánh tráng trộn, các món ăn có rau sống... nhỡ như những sản phẩm này không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.

  1. Việc sử dụng Vitamin C mỗi ngày cho các thành viên trong gia đình nhằm tăng sức đề kháng đang trở thành câu chuyện phổ biến gần đây. BS nghĩ sao về điều này?

BS Dương Công Minh: Vitamin C là một trong những yếu tố tham gia vào việc tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch của chúng ta. Với trái cây, nhiều người thường nghĩ Vitamin C có nhiều nhất trong cam và quýt. Tuy nhiên, chứa nhiều vitamin C nhất trong những trái cây củ quả quen thuộc ta phải sếp theo thứ tự sau: vitamin C cao nhất có trong trái ổi, sau đó là ớt chuông đà lạt, bông cải xanh, dâu tây, trái đu đủ... rồi mới đến họ trái cây cam quýt bưởi! Vị chua lè trong cam quýt chính là acid citric, chứ không phải là vitamin C (acid ascorbic) khiến cho khi uống quá nhiều sẽ gây ra hiện tượng axit hóa dạ dày làm ậm ạch đầy bụng khó tiêu. Hàm lượng Vitamin C cần thiết của một người lớn và trẻ em trung bình một ngày là 100mg và 70mg. Trong khi hàm lượng vitamin C trong một viên sủi có thể lên đến 500mg hoặc 1000mg. Do vậy, việc sử dụng một viên sủi mỗi ngày là điều không cần thiết: quá dư! Việc sử dụng viên sủi sẽ hợp lý trong những trường hợp bị kiệt sức, cảm cúm, lao động nặng và sử dụng hỗ trợ trong khoảng 7-10 ngày. Nếu chúng ta liên tục sử dụng Vitamin C quá nhiều thì cơ thể sẽ không thể hấp thụ được và sẽ được đào thải qua thận kéo theo việc mất Canxi và có nguy cơ bị sỏi thận nếu dùng liều cao liên tục trên 3 tháng. Những người bình thường mỗi ngày chỉ cần ăn trái cây tươi cũng có thể cung cấp đầy đủ Vitamin C trong cơ thể.

  1. Nhiều người nghĩ ăn tỏi sẽ tăng sức đề kháng, tăng hệ miễn dịch cho cơ thể ngay cả những người đang cho con bú cũng sử dụng. Liệu đây có phải là một cách hay trong mùa dịch Covid-19 thưa bác sĩ?

BS Dương Công Minh: Tỏi là một trong những phương thuốc Nam cả ngàn năm ngay cả Tây Y cũng đã chứng minh trong tỏi có thành phần như là kháng sinh thực vật có tác dụng hỗ trợ chống lại một số bệnh lý nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên Corona là siêu vi. Kháng sinh chả tác động gì được, vì vậy nếu ăn tỏi để có thể loại bỏ Corona là điều không thể. Do tỏi giúp tăng một phần sức đề kháng của chúng ta thông qua việc có thể chống lại một số bệnh lý gây ra do vi khuẩn, như vậy tỏi cũng đã góp phần nhỏ gián tiếp trong việc bảo vệ cơ thể và giảm nguy cơ nhiễm Covid-19. Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới cũng khẳng định tỏi không được sử dụng để điều trị Covid-19. Đối với một số người đang cho con bú thì việc sử dụng nhiều tỏi cần phải được cân nhắc bởi vì khi ăn nhiều tỏi sẽ ảnh hưởng đến vị và mùa của sữa mẹ và khiến trẻ bỏ bú.

 

  1. Rất nhiều người đang dự trữ yến với suy nghĩ yến dồi dào chất bổ dưỡng. Có đúng như vậy không, thưa bác sĩ?

BS Dương Công Minh: Yến không phải là một món thần dược có thể chữa được bách bệnh. Con người biết yến hàng ngàn năm nay và khi y học soi đường, yến được biết đến như một loại thực phẩm giàu đạm, ngoài ra có một số chất khác như đường, béo, vitamin và khoáng chất nhưng với hàm lượng thấp. Để tăng sức đề kháng cho cơ thể, thực phẩm phải chứa các Protein (đạm) có khả năng được hấp thu tối ưu và có phổ axit amin thiết yếu của người. Tuy nhiên, yến không có đủ khả năng như trên. Nếu so với thịt gà, thịt bò, thịt heo, tôm, cua, cá, trứng... thì yến có thể ngang bằng hàm lượng Protein hoặc thậm chí vượt trội hơn chút đỉnh. Vì vậy không nên bỏ ra một số tiền quá lớn để dự trữ yến. Nếu sử dụng yến thường xuyên cho trẻ suy dinh dưỡng như 01 thực phẩm duy nhất sẽ làm cho tình trạng dinh dưỡng của trẻ mất cân đối. Trẻ cần bổ sung đa dạng thực phẩm và vitamin khoáng chất khác như thị, cá, trứng, pho mai, sữa, sắt, kẽm, canxi... Tốt nhất là cần đưa trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa Nhi để được khám và điều trị bệnh nền, gặp các bác sĩ dinh dưỡng nhằm được phân tích xem trẻ thiếu các vi chất nào cần bổ sung hợp lý. Hãy nhớ, yến không phải là cứu cánh cho tình trạng dinh dưỡng con người.

Xin cám ơn ThS. BS Dương Công Minh

Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố

Ngọc Khuê

 

Bạn muốn đặt câu hỏi cho Dương Công Minh
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Ý kiến của bạn ({{ pagination.lastes.total }})
Bài viết khác của Dương Công Minh
{{ item.desc.name }}
Bài viết khác - Dinh dưỡng - Tiết chế
{{ item.desc.name }}
{{ item.desc.name }}
Banner Hỏi đáp Bác sĩ Banner Cơ sở y tế banner 1 trong 4 box (Thư viện BS) Banner Trò chuyện cùng BS
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Sức Khoẻ

Vui lòng để lại thông tin và Chuyên khoa bạn quan tâm, Sức Khỏe sẽ gửi đến bạn những cập nhật mới nhất qua Email của bạn.