Thứ năm, 11/10/2018, 08:23 (GMT+7)

Điều trị mụn trứng cá – Kiên trì và hiểu biết

BS. Nguyễn Duy Hải
  • Thạc sĩ, Bác sĩ
  • Da liễu
  • Phòng khám DR Duy Hải Skin & Laser Clinic
Xem thêm thông tin
Mụn trứng cá quả thật là nỗi khổ tâm, gây mặc cảm, tự ti với những ai bị loại mụn này. Vì nôn nóng, nhiều người đã chọn những giải pháp điều trị cấp tốc theo lời ngon ngọt của quảng cáo. Rốt cuộc, tiền mất, mụn nghiêm trọng hơn.

Đặc điểm

Mụn trứng cá là một bệnh mạn tính, rất thường gặp tổn thương gây ra do sự rối loạn hệ thống nang lông tuyến bã. Mụn ảnh hưởng đến khoảng 90% thanh thiếu niên ở tuổi dậy thì, cả ở nam và nữ.

Mụn thường có chiều hướng giảm khi lớn tuổi (sau 30 tuổi).

Tổn thương ở mụn trứng cá rất đa dạng: mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn viêm (sẩn viêm), mụn mủ, nang, cục...

Ngoài ra còn kết hợp với các thương tổn sau mụn như sẹo lõm (sẹo rỗ), sẹo lồi, sẹo thâm (tăng sắc tố sau viêm).

Mụn trứng cá ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, nhưng thường được đề cập bởi 4 cơ chế chính: tăng sừng ở nang lông, tăng tiết bã nhờn, hiện tượng viêm. Bên cạnh đó, yếu tố môi trường và di truyền cũng ảnh hưởng đến mụn trứng cá.

Nguyên tắc điều trị

Làm sạch: là một bước vô cùng quan trọng trong điều trị mụn trứng cá. Việc làm sạch đúng cách sẽ giúp da loại bỏ những bã nhờn dư thừa, khói bụi và các chất gây bít tắc khác (đặc biệt đối với người có sử dụng mỹ phẩm để trang điểm), kiểm soát nhờn trên da. Đặc biệt một số sản phẩm rửa mặt có hoạt chất giúp giảm viêm, bong còi mụn giúp hỗ trợ trong quá trình điều trị mụn trứng cá.

Nhẹ nhàng: mụn trứng cá đặc biệt là những nốt mụn viêm cần được đối xử một cách thật nhẹ nhàng. Điều này có nghĩa là chúng ta không được phép nặn những mụn viêm này, việc nặn mụn cần phải có chỉ định của bác sĩ. Nặn mụn không đúng cách không những không làm mụn cải thiện mà còn làm tình trạng da tệ hơn, gây viêm nhiễm thêm cho vùng da xung quanh và có thể gây nhiễm trùng ngược dòng dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tính mạng như nhiễm trùng huyết.

Tránh nắng: giúp da giảm bỏng nắng, giảm đỏ, giảm tình trạng tăng sắc tố sau viêm (thâm mụn).

Điều trị mụn trứng cá

Thuốc bôi (điều trị tại chỗ)

Kháng sinh (Erythromycin, Clindamycin, Dapson): có tác dụng diệt khuẩn, giảm viêm. Tuy nhiên hiện nay ít dùng kháng sinh bôi đơn thuần để điều trị mụn vì tỉ lệ kháng trị khá nhiều (trừ một số trường hợp đặc biệt).

Retinoid (Tretinoin, Adapalene, Tazarotene): các dẫn xuất từ Vitamin A có tác dụng giảm sừng hóa, giảm tăng sắc tố sau viêm. Đây là lựa chọn hàng đầu trong mụn chỉ có comedone, phối hợp điều trị với điều trị toàn thân, điều trị duy trì. Khi sử dụng thuốc bôi Retinoid có thể gặp một số trường hợp kích ứng, khô da, nổi mẫn đỏ.

Benzoyl peroxide: chủ lực trong điều trị mụn viêm. Có thể dùng đơn thuần hay kết hợp với các chất khác, hỗ trợ với điều trị toàn thân.

Salicylic acid, Lưu huỳnh, Azelaic acid: có tác dụng ngăn sừng hóa, giảm viêm. Azelaic acid giúp giảm tăng sắc tố sau viêm.

Việc lựa chọn thuốc bôi tùy thuộc vào tình trạng mụn, tiền sử dị ứng cũng như phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của thầy thuốc.

Thuốc uống (điều trị đường toàn thân)

Kháng sinh: là thuốc được sử dụng trong trường hợp mụn từ trung bình trở lên. Lựa chọn kháng sinh tùy thuộc vào tình trạng bệnh, quá trình điều trị cũng như cơ địa bệnh nhân. Sử dụng kháng sinh trong điều trị mụn thường kéo dài trong khoảng 8 - 10 tuần.

Isotretinoin: là thuốc được sử dụng trong trường hợp mụn nặng. Thuốc can thiệp vào tất cả các cơ chế gây mụn nên rất thường được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá. Tuy nhiên thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ: khô môi, khô miệng, chảy máu cam, tăng men gan, tăng mỡ máu và có thể gây quái thai cho thai phụ. Do đó việc sử dụng isotretinoin cần được kiểm soát bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Các thuốc khác: thuốc tránh thai, thuốc lợi tiểu... được dùng tùy thuộc vào kinh nghiệm cũng như nguyên nhân gây mụn của từng bệnh nhân.

Điều trị hỗ trợ

Laser và ánh sáng: giúp diệt khuẩn, giảm viêm, giảm thời gian sử dụng kháng sinh, giảm bớt tác dụng phụ của thuốc bôi vì rút ngắn thời gian điều trị. Sử dụng laser và ánh sáng cần được chỉ định và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Lột da bằng hóa chất: giúp bong bớt lớp sừng bên ngoài da, đẩy nhân mụn. Tuy nhiên cần cẩn trọng khi sử dụng phương pháp này. Phương pháp này nên được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Một số lưu ý khi điều trị

Kiên trì điều trị vì điều trị mụn thường mất trung bình từ 2 - 3 tháng.

Mụn không thể biến mất chỉ sau 1 đêm hoặc sau vài ngày điều trị, nên không nên tin vào những lời quảng cáo ngon ngọt. Không sử dụng các thuốc bôi, thuốc rượu không rõ nguồn gốc đặc biệt là những loại được bán tràn lan trên mạng xã hội với những lời quảng cáo có cánh như “hết mụn, hết nám, hết tàn nhang, hết sẹo... chỉ trong 1 sản phẩm, thuốc điều trị gia truyền, điều trị mụn siêu tốc...”. Đa phần những sản phẩm này đều chứa thành phần corticosteroid, sau một thời gian sử dụng da sẽ bị tổn hại nặng nề và rất khó hồi phục.

Thay đổi quan niệm sai lầm: “Mụn trứng cá ở tuổi dậy thì là chuyện nhỏ, sẽ tự khỏi”. Một số trường hợp mụn nhẹ có thể giảm dần theo thời gian tuy nhiên đa số trường hợp cần có sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Cần giảm các thức ăn ngọt, dầu mỡ, bột mì (bánh mì, mì gói) và các chế phẩm từ sữa. Bỏ thói quen dùng tay sờ nắn lên mặt và không được tự ý nặn mụn.

ThS.BS Nguyễn Duy Hải

Phòng khám Da liễu - Thẩm mỹ Dr Duy Hải

Theo Tạp chí Sức Khỏe

 

Bạn muốn đặt câu hỏi cho Nguyễn Duy Hải
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Ý kiến của bạn ({{ pagination.lastes.total }})
Bài viết khác của Nguyễn Duy Hải
{{ item.desc.name }}
Bài viết khác - Da liễu
{{ item.desc.name }}
{{ item.desc.name }}
Banner Hỏi đáp Bác sĩ Banner Cơ sở y tế banner 1 trong 4 box (Thư viện BS) Banner Trò chuyện cùng BS
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Sức Khoẻ

Vui lòng để lại thông tin và Chuyên khoa bạn quan tâm, Sức Khỏe sẽ gửi đến bạn những cập nhật mới nhất qua Email của bạn.