Thứ năm, 06/01/2022, 09:30 (GMT+7)

Molnupiravir dưới góc nhìn Chuyên gia dịch tễ

BS. Trương Hữu Khanh
  • Bác sĩ
  • Truyền nhiễm
  • Trưởng khoa
Xem thêm thông tin
Molnupiravir chắc hẳn là thuốc đang được quan tâm nhất hiện nay.

 Đây chính là thuốc kháng virus dạng viên nằm trong phác đồ điều trị COVID-19 của Bộ Y tế, vừa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Là một chuyên gia trong lĩnh vực dịch tễ, BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, đã có nhiều tư vấn hữu ích về các vấn đề liên quan đến phòng và điều trị COVID-19 cho bệnh nhân, cộng đồng trong thời gian qua. Dưới góc nhìn chuyên môn của mình, BS Trương Hữu Khanh sẽ giải đáp một số câu hỏi xoay quanh loại thuốc kháng virus này.

Molnupiravir dưới góc nhìn Chuyên gia dịch tễ

1/ Chào BS, hiện nay khi cuộc sống bình thường mới đã quay trở lại với người dân thì số lượng ca nhiễm ngoài cộng đồng đang có chiều hướng gia tăng. BS có nhận định gì về xu hướng này? Và lời khuyên của BS dành cho người dân hiện tại là gì?

Khi người dân đã chích ngừa đủ, các hoạt động dần “mở cửa” trở lại thì xu hướng gia tăng ca nhiễm là một điều tất yếu. Đây là điều đáng mừng chứ không phải lo. Mục đích của chúng ta muốn hết dịch thì chúng ta cần phải có miễn dịch cộng đồng. Nếu không thể miễn dịch cộng đồng, chọn lọc tự nhiên sẽ xảy ra và cái chết chính là hậu quả nghiêm trọng nhất.

Chúng ta cần có miễn dịch cộng đồng an toàn, nghĩa là cần tách một số người chưa chích vắc xin ra, nếu không họ sẽ bị bệnh nặng. Đối với những người đã chích rồi, sẽ có tỷ lệ nhỏ bệnh nhẹ và đó là điều tất yếu sẽ xảy ra nếu chúng ta muốn đạt miễn dịch cộng đồng an toàn.

Mở cửa trở lại khi người dân được chích ngừa đầy đủ, dù số ca bệnh tăng nhưng chúng ta không cần sợ. Hãy lo cho nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh nặng, tiếp tục bảo vệ cho họ để đạt được miễn dịch cộng đồng an toàn. Như vậy những F0 cần nghiệm lại xem mình đã tiêm vắc xin chưa, nếu mình trẻ, không bệnh nền và đã tiêm đủ mũi vắc xin rồi thì sau từ 5 đến 7 ngày sẽ khỏi bệnh ngay. Nhưng nếu F0 là người có yếu tố nguy cơ mà chưa tiêm vắc xin thì sẽ được sở y tế để cấp phát thuốc kháng virus, tùy theo mức độ sẽ đi cách ly hay không. Nếu F0 đã chích ngừa mà có yếu tố nguy cơ thì phải theo dõi sát sức khỏe của mình, khai báo y tế, như vậy F0 sẽ an toàn.

2/ Biến chủng Omicron đang được nhắc tới khá nhiều trong thời gian gần đây. Biến chủng này có khả năng đe dọa đến công tác phòng chống dịch tại Việt Nam không? Và BS đánh giá mức độ nguy hiểm của biến chủng này như thế nào, thưa BS?

Theo mức độ tôi biết, biến chủng Omicron có mức độ lây nhiễm nhanh hơn Delta rất nhiều. Trong một tuần nó có thể tăng gấp đôi, nhưng chính tăng gấp đôi đó sẽ tạo miễn dịch cộng đồng nhanh hơn. Quan trọng miễn dịch cộng đồng đó có an toàn hay không như những vẫn đề chúng ta đã nói trước đó. Nhưng có lẽ sẽ an toàn bởi vì những người đã tiêm vắc xin, đặc biệt là người đã được tiêm 3 mũi thì họ có triệu chứng rất nhẹ, tỉ lệ tử vong rất thấp và thấp hơn rất nhiều so với chủng Delta gây ra. Ở những người chích 2 mũi triệu chứng bệnh cũng nhẹ và 3 mũi thì rất nhẹ. Cuối cùng thì chủng Omicron sớm muộn gì cũng sẽ tới, cố gắng ngăn chặn như chúng ta đã chặn biến chủng Delta. Quan trọng nhất là chúng ta phải được chủng ngừa và thực hiện 5K nhiều nhất có thể.

3/ Molnupiravir đang là cái tên được rất nhiều độc giả Tạp Chí Sức Khỏe quan tâm, khi được nhắc tới liên tục trên các báo đài về hiệu quả của loại thuốc kháng virus có thể giúp điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Dưới góc nhìn chuyên môn của mình, BS có đánh giá như thế nào về hiệu quả của Molnupiravir?

Tỉ lệ tử vong sẽ rất thấp khi bệnh nhân được sử dụng Molnupiravir so với những bệnh nhân     không dùng, đặc biệt là ở những người lớn tuổi mắc COVID-19 và đang có bệnh nền. Molnupiravir có tác dụng làm giảm nồng độ virus trong họng, chính tác dụng này sẽ giảm lây lan bởi lượng virus đã giảm đáng kể.

Nếu so sánh với cúm thì cúm cũng có vắc xin, vẫn xảy ra nhưng khó tử vong vì có thuốc. COVID-19 cũng có vắc xin và đã được phủ hết, nên nhắc về phương pháp điều trị thì chúng ta có thuốc kháng virus. Cho nên Molnupiravir giúp ích rất nhiều trong những tình huống bệnh nhân đã tiêm vắc xin nhưng vẫn trở thành F0 và chuyển biến nặng. Molnupiravir giúp ngăn chặn những tình huống chuyển biến nặng và giảm thiểu nguy cơ tử vong một cách đáng kể.

Molnupiravir dưới góc nhìn Chuyên gia dịch tễ

4/ BS có thể chia sẻ một số lưu ý cho các bệnh nhân khi sử dụng thuốc Molnupiravir như về liều dùng, cách dùng, thời gian dùng tối ưu?

Đối với thuốc kháng virus Molnupiravir mình phải sử dụng ngay trong 5 ngày đầu khi phát hiện bị nhiễm COVID-19, nếu quá 5 ngày thì tác dụng sẽ giảm dần. Ưu tiên sử dụng cho những người có bệnh nền, trên 50 tuổi và có dấu hiệu, triệu chứng. Lưu ý không được sử dụng ở những bà mẹ đang mang thai và đang cho con bú, nếu muốn dùng phải ngưng cho trẻ bú mẹ. Không nên dùng ở những người suy gan, thận ở mức độ 4. Còn lại đối với độ tuổi, trên thế giới vẫn cho dùng thuốc với độ tuổi trên 65 vì đây là độ tuổi có nguy cơ cao và dễ chuyển biến nặng, nhưng tại Việt Nam vẫn còn lưu ý chưa cho dùng đối với bệnh nhân trên 65 tuổi. Đối với Molnupiravir sử dụng cho F0 chỉ cần dùng liên tiếp 5 ngày và không cần phải kéo dài gì cả.

5/ Vậy còn những bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 nhưng không biểu hiện triệu chứng hoặc những bệnh nhân F0 đã tiêm vaccine Covid-19 và các trường hợp nghi nhiễm khi có tiếp xúc F0 thì có cần sử dụng Molnupiravir?

Chúng ta nên nhớ ưu tiên Molnupiravir cho những người có nguy cơ, vì đây là thuốc điều trị không phải phòng ngừa. Nếu chúng ta không có triệu chứng, còn trẻ thì không nên dùng. Nếu những người đã chích ngừa hoặc chưa chích ngừa thuộc nhóm nguy cơ, ví dụ như dư cân, người trên 50 và có bệnh nền không ổn định nên cho phép họ dùng để giữ được tính mạng khi trở nặng.

Trong trường hợp tiếp xúc F0 mà chưa lây nhiễm thì không nên sử dụng thuốc để điều trị, chỉ khi nào chúng ta là F0 và có triệu chứng thì mới xem xét để dùng thuốc điều trị. Nếu muốn phòng ngừa bằng thuốc thì chỉ sử dụng được kháng thể đơn dòng, còn Molnupiravir là thuốc kháng virus nên khi chúng ta có virus trong người thì chúng ta mới sử dụng. Bởi vì liều dùng Molnupiravir chỉ 5 ngày, làm sao chúng ta biết khi nào ủ bệnh, vậy thì uống làm gì.

6/ Hiện có một số ý kiến cho rằng Molnupiravir có khả năng tác động vào bộ gen của virus, nên khi dùng lâu dài sẽ có ảnh hưởng với người sử dụng. Điều này liệu có đúng, thưa BS?

Molnupiravir không có khả năng tác động vào bộ gen của virus. Cơ chế của Molnupiravir là khi RNA thông tin của virus phóng ra, chuẩn bị chèn vào riboxom của người để sản xuất protein thì Molnupiravir mới có tác dụng kết hợp vào RNA thông tin đó làm cho virus không hoạt động được, khiến RNA thông tin của virus không gắn được vào riboxom của người, vì thế gây ức chế virus lây lan trong cơ thể của chúng ta.

7/ Trước sự xuất hiện của biến chủng Omicron, BS đánh giá Molnupiravir có hiệu quả điều trị trên biến chủng này cũng như với nhiều loại biến chủng khác của virus SARS-CoV-2 không, thưa BS?

Thuốc kháng virus Molnupiravir vẫn sẽ điều trị hiệu quả với biến thể Omicron. Nguyên nhân là do thuốc kháng virus này nhắm mục tiêu vào việc ngăn cản khả năng tự tái tạo của virus. Như chúng ta đã phân tích trước đó về chức năng của thuốc kết hợp với RNA thông tin của virus khiến chúng không thể xâm nhập vào riboxom của người. Dù trong trường hợp nào thì điều cần làm đầu tiên là chúng ta phải đảm bảo việc tiêm phòng đầy đủ và thực hiện 5K thường xuyên.

BS Trương Hữu Khanh

Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM

 

Bạn muốn đặt câu hỏi cho Trương Hữu Khanh
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Ý kiến của bạn ({{ pagination.lastes.total }})
Bài viết khác của Trương Hữu Khanh
{{ item.desc.name }}
Bài viết khác - Truyền nhiễm
{{ item.desc.name }}
{{ item.desc.name }}
Banner Hỏi đáp Bác sĩ Banner Cơ sở y tế banner 1 trong 4 box (Thư viện BS) Banner Trò chuyện cùng BS
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Sức Khoẻ

Vui lòng để lại thông tin và Chuyên khoa bạn quan tâm, Sức Khỏe sẽ gửi đến bạn những cập nhật mới nhất qua Email của bạn.