Kết hợp Đông Tây y trong điều trị lão khoa

BS. Nguyễn Thị Bay
  • Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ
  • Y học cổ truyền
  • Nguyên Trưởng Cơ sở 3
  • Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM
Xem thêm thông tin
Một số người cao tuổi khi đi khám bệnh thường nêu: “Tôi bị ngứa ngoài da, nay chỗ này mai chỗ khác mà không mẩn, hay sẩn gì trên da; tôi bị nóng - “bốc hoả” dù tôi là đàn ông; tôi như cái máy đo thời tiết, nay đau mình biết mai trời mưa”… Rất nhiều câu hỏi, không làm khó thầy thuốc, nhưng khó là không đủ thời gian để trả lời cho người ấy hiểu, có thể đó không phải là dấu hiệu của bệnh cụ thể, mà chỉ là báo động của tuổi tác. 

Ai rồi cũng phải đi qua các giai đoạn Sinh - Lão - Bệnh - Tử của một đời người, bởi vì đó là quy luật. Việc điều trị, vì thế, cũng có những nguyên tắc riêng cần chú ý. Sự kết hợp Đông - Tây y trong điều trị, cũng như chăm sóc để làm chậm lại sự lão hoá trên người ngày càng được khẳng định và tạo được niềm tin.

Vấn đề lão hoá

Người cao tuổi, được Tổ chức y tế thế giới (WHO) quy ước từ trên sáu mươi tuổi. Theo quỹ dân số Liên Hiệp quốc (UNFPA) năm 2012 có 810 triệu người cao tuổi trên toàn cầu, và ước tính 10 năm nữa con số này vào năm 2022 sẽ đạt một tỷ người, tỷ lệ khoảng 14% dân số toàn cầu, trong đó khu vực ASEAN người cao tuổi chiếm đến 20% dân số.

Khoa học phát triển, chẩn đoán bệnh sớm, điều trị trúng đích kịp thời, giúp cho con người sống lâu hơn, tuổi thọ kéo dài hơn. Nếu thập niên 80, tuổi thọ trung bình của thế giới là sáu mươi tuổi, thì những năm cuối của thập niên 90 của thế kỷ trước, tuổi thọ trung bình là bảy mươi lăm tuổi. Mô hình bệnh tật không ngừng thay đổi theo sự gia tăng tỷ lệ người cao tuổi trong dân số, việc chăm sóc và điều trị nhằm duy trì sức khoẻ trên đối tượng này thực tế có khác hơn so với các giai đoạn khác của đời người, do vậy, Lão khoa hình thành nền tảng nghiên cứu từ sinh lý đến sự lão hoá đến bệnh lý và chăm sóc điều trị ở người cao tuổi.

Trong dân số người cao tuổi, lão khoa phân thành ba nhóm:

Lão hoá thành công: Tuy thể hiện sự lão hoá ở da, tóc, hình dáng, nhưng người cao tuổi vẫn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, minh mẫn, năng động và vẫn tiếp tục làm việc như ở tuổi trung niên.

Lão hoá thông thường: Sức khoẻ vẫn được kiểm soát tốt dù có một hoặc hai bệnh nền, được điều trị kiểm soát tốt, vẫn tham gia sinh hoạt và làm việc bình thường. Trong đó có thể thấy hiện nay, lão khoa đã đạt được mục tiêu giúp xã hội, người dân đạt sự lão hoá thông thường bằng minh chứng tỷ lệ dân số già ngày càng tăng. Nếu năm 2010, chỉ duy nhất nước Nhật có tỷ lệ dân số già đạt 30%, thì ước tính đến năm 2050 sẽ có 64 quốc gia đạt tỷ lệ này ở người cao tuổi (UNFPA).

Lão hoá bệnh lý: Tuổi già và bệnh tật tăng giảm thất thường, chán nản, u uất.

Cơ chế lão hoá

Lão hóa có thể được định nghĩa là “sự suy giảm các chức năng hoạt động của cơ thể, tiến triển dần, dẫn đến tăng tính dễ bị tổn thương trước các thách thức môi trường, tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong”. Sự lão hoá diễn tiến từ mức phân tử, đến tế bào, đến mô cơ quan và đến cấu trúc toàn cơ thể. Nói chung, sự tích luỹ các tổn thương trong hệ thống của tế bào là nguyên nhân cơ bản của lão hóa.

Sự phức tạp của lão hóa được phản ánh qua việc có rất nhiều giả thuyết được nghiên cứu và nêu để giải thích tại sao và làm thế nào con người già đi. Các lý thuyết được chấp nhận rộng rãi bao gồm:

Thuyết di truyền: Theo thuyết này thì con người có sẵn trong các tế bào của mình các gen hoạt động theo giới hạn của chu kỳ sao chép, thông thường tế bào chết đi sau 40-60 chu kì sao chép. Thời gian sống của mỗi tế bào được quyết định về di truyền học bởi hai hệ thống độc lập với nhau, đó là quá trình làm hao mòn các telomere ở các đầu tận cùng nhiễm sắc thể và hệ thống kiểm soát sự tiến triển chu kì tế bào thông qua các gen sửa chữa những tổn thương các thành phần của tế bào gồm DNA, protein và các bào quan. Nói cách khác, mỗi người khi sinh ra đều có sẵn mã di truyền quyết định sự phân chia tế bào, quyết định thời gian sống theo sự sao chép - phân chia tế bào. Tuy nhiên chúng ta biết rằng, cách sống của mỗi người sẽ tác động đến hoạt động của mã di truyền, theo chiều huớng xấu hoặc tốt hơn.

Thuyết gốc tự do: Gốc tự do sinh ra do chính hoạt động sống của mỗi tế bào và do tác động của môi trường sống (tia phóng xạ, các bức có năng lượng cao, tia tử ngoại, bụi, các chất độc). Thông thường, chúng được sinh ra với lượng rất nhỏ và bị phá hủy ngay bởi các hệ thống chống gốc tự do của cơ thể (antioxydant). Nhưng khi hệ thống bảo vệ này bị quá tải hay rối loạn (do môi trường ô nhiễm, tâm lý căng thẳng, tuổi tác...), quá trình lão hóa và các bệnh lý sẽ tiến triển rất nhanh

Thuyết nội tiết tố: Thuyết này dựa vào nhận định rằng, mọi giai đoạn hoạt động sống của cơ thể đều do nội tiết tố điều hành, như tuổi nhỏ có nội tiết tố tăng trưởng, tuổi dậy thì có nội tiết tố sinh dục... Trong đó đáng chú ý nhất là nội tiết tố tăng trưởng (HGH - Human Growth Hormone) do tuyến yên sản xuất từ lúc mới sinh cho đến già, đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của cơ thể, sửa chữa tế bào và trao đổi chất. Hormone này cũng hỗ trợ quá trình phát triển cơ bắp, sức mạnh và hiệu suất tập luyện, đồng thời hỗ trợ quá trình phục hồi sau chấn thương và bệnh tật. Các nhà khoa học đã khám phá một yếu tố quan trọng liên quan mật thiết với tuổi già, đó là sự thiếu hụt HGH khi tuổi cao. Việc tìm ra các chất kích thích cơ thể sản xuất HGH đã tạo niềm hy vọng về chuyện đảo ngược quá trình lão hóa.

Thuyết miễn dịch: Cơ thể sinh ra đã được trang bị một hệ thống tự bảo vệ chống lại sự xâm nhập của các vật lạ, đó là sự miễn dịch. Miễn dịch bảo vệ cơ thể bằng nhiều cách. Có thể là các bạch cầu trực tiếp tấn công, vô hiệu hóa vi sinh vật (vi khuẩn, vi nấm...). Có thể là các bạch cầu đặc biệt tạo ra chất kháng thể, lưu thông trong máu và vô hiệu hoá tác nhân xâm nhập

Thuyết về sự tích luỹ những sai lầm: Để tăng trưởng, cơ thể liên tục sản xuất - chuyển hoá từ nguồn nuôi dưỡng thành các phân tử đạm và ADN. Nhưng những phần tử này không phải lúc nào cũng được sản xuất hoàn hảo. Trong tế bào và mô lành mạnh luôn luôn có một sự luân chuyển các thành phần hệ trọng như nội tiết tố và hóa chất dẫn truyền tín hiệu thần kinh. Trong mỗi quá trình luân chuyển thường có khả năng xảy ra những sai lầm. Nếu những sai lầm đó tích lũy tới một mức độ cao thì tế bào hoặc mô trở thành bất khả dụng và có thể chết. Ví dụ như những sai lầm gây tổn thương tế bào ảnh hưởng việc tổng hợp chất đạm, tạo ra chất đạm bất thường mà khi tích tụ với nhau sẽ gây hư hao cho tế bào, mô và các bộ phận. Theo thuyết này, cơ thể dễ mắc các bệnh mạn tính và khi tăng tích tuổi thì cơ thể dễ phạm các lỗi lầm kể trên, đưa đến sự lão hoá nhanh.

Qua đó có thể nhận định, sự lão hoá của mỗi người có sự góp phần của nhiều cơ chế, trong đó ngoại trừ cơ chế về di truyền, bốn cơ chế còn lại bằng cách sống và sinh hoạt khoa học, con người có thể tác động và thay đổi để có thể đạt lão hoá thông thường, thậm chí lão hoá thành công để ngoài việc sống thọ còn sống có ích và tăng chất lượng sống của mỗi chúng ta.

Trước khi có nền Y học hiện đại (YHHĐ), Y học cổ truyền(YHCT) đã giải thích sự lão hoá của con người, cho rằng tuổi thọ dài hay ngắn là do sự thịnh suy của khí - huyết và sự đầy đủ của các dạng vật chất Tinh - Khí - Thần - Huyết - Tân dịch, duy trì sự cân bằng cho hoạt động của ngũ tạng Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận (Linh Khu - Chương Thiên niên 228. BC).

Các tài liệu cổ như Hoàng đế Nội kinh Tố vấn có những chương quan trọng nêu những triết thuyết liên quan đến sự lão hoá của người. Chương Thượng cổ thiên chân luận nêu diễn tiến sự tăng dần sau đó giảm dần của Thận khí theo các giai đoạn cuộc đời ở nam và nữ: “Nữ bảy tuổi Thận khí thịnh, răng sữa thay, tóc mọc dài. Mười bốn tuổi, Nhâm mạch thông, Thái xung mạch thịnh, thiên quý đến, hàng tháng có kinh nguyệt có thể có con. Hai mươi mốt tuổi Thận khí cân bằng, nên răng khôn mọc. Hai mươi tám tuổi gân cốt cứng cáp, thân thể đầy đặn. Ba mươi lăm tuổi âm dương mạch suy, da bắt đầu khô nhăn, tóc bắt đầu rụng. Bốn mươi hai tuổi, ba mạch dương suy, ở trên mặt sạm đen, tóc bắt đầu bạc. Bốn mươi chín tuổi, Nhâm mạch hư, Thái xung mạch suy, thiên quý kiệt, kinh nguyệt hết, khó có con. Nam giới tám tuổi Thận khí đầy, thay răng tóc mượt. Mười sáu tuổi, Thận khí thịnh, tiên quý chín, tinh khí đầy đủ, có thể có con. Hai mươi bốn tuổi, Thận khí cân bằng, cân cốt cứng cáp, mọc răng khôn. Ba mươi hai tuổi, cân cốt thịnh, cơ nhục tráng kiện. Bốn mươi tuổi, Thận khí suy, tóc rụng răng khô. Bốn mươi tám tuổi, dương khí suy kiệt, mặt sạm, tóc hai bên thái dương bạc. Năm sáu mươi tuổi, Can khí suy, cân giảm khả năng hoạt động, thiên quý kiệt, tinh ít, Thận suy, răng tóc đều rụng” [2].

Trong khi đó, Hoàng đế Nội kinh Linh khu, chương Thiên Niên cũng đưa ra quá trình phát triển qua các giai đoạn “Sinh, Trưởng, Tráng, Lão, Tử” với sự biến đổi thịnh suy của khí huyết, cho rằng từ khi sinh ra đến 20 tuổi, ngũ tạng phát triển, khí huyết thịnh; đến 30 tuổi phát triển kiện toàn đầy đủ; đến 40 tuổi thì bắt đầu suy thoái; đến 50 tuổi thì Can khí suy; 60 tuổi Tâm khí suy; 70 tuổi Tỳ khí suy; 90 tuổi, Thận khí suy; đến 100 tuổi ngũ tạng đều suy mà chết [6].

Quá trình phát triển và lão hoá của con người chịu ảnh hưởng chính của năm vật chất căn bản trong hoạt động sống của cơ thể (Tinh - Khí - Thần - Huyết - Tân dịch). Tinh là phối hợp từ Tinh tiên thiên của cha mẹ truyền cho và được bổ sung, nuôi dưỡng làm mới không ngừng bởi Tinh hậu thiên từ thức ăn uống, Tinh được hình thành giúp ngũ tạng (Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận) hoạt động, đồng thời được tàng trữ ở Thận để tiếp tục vòng tuần hoàn mới tạo Tinh - Khí - Thần...

Từ các đoạn kinh văn trên, có thể thấy rằng lão hoá là quá trình tuân theo quy luật tự nhiên xảy ra trên mọi cá thể, diễn tiến từ sinh trưởng, kiện toàn, đến suy yếu dần và tử vong. Tuy nhiên, lão hoá nhanh hay chậm không phải lúc nào cũng giống nhau trên mọi cá thể mà có thể thay đổi giữa các cá thể khác nhau và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên trong và cả bên ngoài cơ thể. Và mặc dù tinh khí của tạng Thận là yếu tố quyết định chính đến sự lão hoá, tất cả ngũ tạng lục phủ đều có tác động, cũng như tham gia vào quá trình lão hoá.

Cũng chính từ các đoạn y văn trên, có thể thấy sự tương đồng trong mô tả về sự lão hoá của cơ thể người. YHCT thuần dựa trên quan sát, hệ thống hoá các kinh nghiệm quan sát để hình thành quy luật về quá trình Sinh - Lão - Bệnh - Tử và tuổi thọ con người. Còn YHHĐ dựa trên nghiên cứu khoa học, cân đong đo đếm được từ các hoạt động phân tử đến tế bào, đến cơ chế diễn ra hoạt động sống, đến sự lão hoá của cơ thể người. Điều này nói lên rằng, thuật ngữ y học có thể khác, cũng như có thể khác về mức độ thực chứng, nhưng cả hai nền y học đều có nội dung ước lượng về diễn biến của sự lão hoá gần tương đương nhau. Thế thì tại sao không thể kết hợp kiến thức và kỹ năng của hai nền y học, một từ kinh nghiệm và một từ thực nghiệm để phục vụ tốt nhất việc chăm sóc sức khoẻ cho người?

Các yếu tố tác động gây tăng nhanh sự lão hoá

Cả YHHĐ và YHCT đều ghi nhận các yếu tố tác động đến tiến trình lão hoá như sau:

Môi trường: Nếu YHHĐ cho rằng vệ sinh môi trường và các điều kiện khí hậu, thời tiết, bức xạ của ánh nắng mặt trời, tiếng ồn, bụi khói... tất cả đều ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí gây bệnh tật. Thì YHCT gọi chung là Lục dâm tác động vào cơ thể gây ra sự mất quân bình Khí Huyết; Âm - Dương, có thể gây bệnh bộc lộ ra các thuộc tính của sáu thứ khí này của môi trường là Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo, Hoả. Tuỳ thuộc vào cơ địa người và yếu tố nào của môi trường, sẽ gây phản ứng cơ thể mức độ Cảm, Thương, Trúng. Cảm có thể là cảm Thử (nắng nóng) cảm Hàn (sốt ớn lạnh)... các triệu chứng có thể qua nhanh nếu chính khí (sức đề kháng) tốt, hoặc thành bệnh nếu yếu tố gây bệnh quá mạnh và chính khí kém hoặc hư suy, bệnh có thể là Cúm, hoặc Viêm mũi họng...

Vấn đề môi trường, tác động không nhỏ lên sự lão hoá là điều dễ dàng nhận thấy, từ chỉ là sự biến đổi làm da khô hơn, nám da, đến nóng nảy bứt rứt, đến nhiệt miệng, đến táo bón, đến mệt mỏi vô cớ, đến đau - tê - mỏi - nặng ở một vùng cơ thể... những biểu hiện không phải là bệnh, chỉ là diễn biến nhất thời rồi sẽ qua, nhưng sẽ để lại dấu ấn tuổi tác trên hình thể ngoài của cá thể.

Tác nhân gây bệnh từ bên ngoài, theo cơ biểu, mũi miệng xâm phạm vào cơ thể mà gây bệnh. Nếu không được điều trị tốt, từ biểu chuyển dẫn vào lý, dẫn đến nội thương tạng phủ. Do tính chất và cường độ khác nhau của tà khí, sự mạnh yếu của chính khí khác nhau ở mỗi cá thể nên các hình thức phát bệnh cũng khác nhau. Điều này tương đồng với nguyên nhân lão hoá theo YHHĐ là các biến đổi di truyền biểu sinh (epigenetic) cũng như sự tích tụ các đại phân tử bị hư hỏng như protein, DNA, bộ gen ty thể.

Ăn uống: Ăn uống nhằm mang lại chất dinh dưỡng cho cơ thể, bổ sung và nuôi dưỡng sự hoạt động cho cơ thể nói chung. YHHĐ đã có tháp dinh dưỡng, ăn uống cân bằng điều độ để duy trì sức khoẻ, có chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho các loại bệnh lý hay nhằm phục hồi sức khoẻ. YHCT có Thực dưỡng, đã có lời khuyên từ cách ăn, đến chọn thức ăn phù hợp và đầy đủ chất bổ dưỡng.

Ăn thừa hay thiếu đều có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ nói chung và sự lão hoá nói riêng. Đối với YHCT, ăn uống không đúng và không đủ hoặc dư thừa, gây rối loạn chức năng tạng Tỳ, ảnh hưởng đến Tinh, nguồn gốc tạo nên cấu trúc và các hoạt động sống của cơ thể. Tinh bị ảnh hưởng, tác động liền đến Thận, và các kinh văn nêu trên cho thấy Thận quyết định phần lớn cho sự lão hoá.

Sinh hoạt: Cả Tây hay Đông đều minh chứng, các thói quen trong sinh hoạt sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ người.

Theo các tư liệu kinh điển xưa, sống theo Dưỡng sinh sẽ giúp duy trì sự tráng kiện cho cơ thể, nội dung của Dưỡng sinh bao gồm (1) Cách sống, (2) Thực dưỡng, (3) Tập luyện, (4) Thái độ tinh thần trong cuộc sống [Âm dương ứng tượng đại luận - sách Tố vấn]. Trong đó, cách sống như sinh hoạt ăn - ở - ngủ - nghỉ mỗi ngày, các thói quen tập quán... đều nên theo “THỜI” như khí hậu, thời tiết của mỗi mùa, hoàn cảnh xã hội - môi trường và cá nhân. Nên ăn đủ bữa, ngủ đủ giấc, uống đủ nước... Nên giảm và bỏ các thói quen xấu như thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chất gây nghiện... Vì tất cả đã minh chứng, chúng đều tác động rất lớn đến sức khoẻ người, và chắc chắn sẽ đẩy nhanh tốc độ lão hoá nếu chúng ta không ứng dụng đúng cho sinh hoạt của mình.

Chấn thương, trùng thú cắn: Tai nạn dù gây chấn thương phần mềm hay gãy xương, đều tăng nguy cơ nhiễm trùng, viêm nhiễm và mất máu. Nọc độc của trùng - thú cắn người, nhẹ thì gây dị ứng, nặng thì nọc độc gây thành bệnh tật thậm chí tử vong. Thời gian phục hồi nhanh hay chậm, thành bệnh hay chỉ gây dị ứng phản vệ... tất cả đều ảnh hưởng đến sức khoẻ và trước nhất là tác động lập tức đến các cơ chế gây lão hoá của YHHĐ như (1) tích luỹ các sai lầm, (2) tăng hoạt hoá gốc tự do, (3) làm cho hệ miễn dịch suy kém... tác động sự lão hoá nhanh hơn, hoặc gây thành bệnh tật lại càng giảm tuổi thọ của người.

Bệnh tật: Là nguyên nhân lớn, thúc đẩy nhanh tiến trình lão hoá và ngược lại sự lão hoá gây nên tình trạng thoái hoá hay xơ cứng một số cấu trúc gây thành bệnh tật, vòng lẩn quẩn sinh lý bệnh này tác động không nhỏ, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người, thay vì là lão hoá thông thường, lại là lão hoá bệnh tật. Trong khi ước mơ và đích đến về sức khoẻ là “Sống thọ, nhưng phải khoẻ và chất lượng sống tốt”.

Tóm lại, các tác nhân nói trên ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình lão hoá. Tuy nhiên, lão hoá nhanh hay chậm không phải lúc nào cũng giống nhau trên mọi cá thể, mà có thể thay đổi giữa các cá thể khác nhau và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên trong và cả bên ngoài cơ thể. Và mặc dù tinh khí của tạng Thận là yếu tố quyết định chính đến sự lão hoá, tất cả ngũ tạng lục phủ đều có tác động, cũng như tham gia vào quá trình lão hoá. Có thể tóm tắt các yếu tố tác động gây lão hoá theo YHCT như sau:

Thận tinh giảm dần theo tuổi.

Hoạt động của các cơ quan tạng phủ trong cơ thể suy yếu theo tuổi.

Các yếu tố gây bệnh từ môi trường tác động đến cơ thể.

Khí huyết hư suy.

Vận hành khí huyết trong cơ thể không phù hợp.

Kết hợp Đông - Tây y trong chăm sóc và điều trị

Con người tuổi càng cao thì những biến đổi về sinh lý, bệnh lý của cơ thể ngày càng rõ rệt. Vấn đề chăm sóc, phòng bệnh và điều trị cho người cao tuổi có những đặc điểm riêng, khác với lứa tuổi thanh niên và trung niên, bởi vì bệnh ở người cao tuổi biểu hiện như “tảng băng chìm” các triệu chứng cho nhận thấy được, chỉ là phần nổi của tảng băng, còn phần chìm mới là vấn đề cần phải chú ý tìm ra mới chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị kịp thời. Chính vì vậy, YHCT có phân tích: Ở người cao tuổi, hệ miễn dịch hoạt động kém hiệu quả, sức đề kháng của cơ thể suy giảm, Âm Dương thất điều, khí huyết bất túc, tạng phủ hư suy. Vì vậy, trong chăm sóc, phòng bệnh và điều trị cho người cao tuổi, ngoài việc phải tuân theo những nguyên tắc chung của y học cổ truyền, còn phải tuân thủ những quy tắc sau đây:

Khi điều trị bệnh, phải chú ý đến tình trạng bệnh Hoãn, Cấp để đưa ra phương pháp điều trị một cách hợp lý.

Bệnh thường được phân ra Hoãn (mạn tính), Cấp (cấp tính), nên khi điều trị bệnh phải chú ý đến Tiêu (điều trị ngọn), Bản (điều trị gốc). Riêng đối với người cao tuổi, mặc dù bệnh lý là hoãn, nhưng đôi lúc lại biến đổi thành cấp, trong việc điều trị, ngoài theo dõi sát diễn biến, còn phải điều trị đúng theo bệnh trạng lúc bấy giờ. Với sự phát triển của YHHĐ, các phương pháp điều trị trúng đích thường tốt, nhưng sử dụng dài ngày có thể gây nên những tác dụng phụ hoặc thậm chí có thể gây hại cho mô hoặc cơ quan khác của cơ thể. Chính vì vậy giai đoạn cấp tính có thể sử dụng phương pháp điều trị của Tây y, và Đông y tham gia vào giai đoạn sau hoặc giai đoạn hồi phục.

Khứ tà phải Công bổ kiêm thi: Đối với người cao tuổi, cơ thể đang diễn ra sự lão hoá, mọi công năng hấp thu - chuyển hoá của tạng phủ đều giảm sút, chính khí hư yếu, âm dương mất tính quân bình, việc điều trị cần chú ý đến dùng phép Công - Bổ kiêm thi, nghĩa là điều trị bệnh chính hoặc nguyên nhân gây bệnh, nhưng luôn kèm theo phép bổ “phù chính để khu tà” mà không làm tổn thương chính khí.

Phù chính phải đúng và đủ: Đối với người cao tuổi, trong quá trình điều trị bệnh thường dùng phép bổ là chính, nhưng phải tiến hành từ từ, vì Tỳ Vị của người cao tuổi thường là hư suy, công năng vận hóa giảm sút, khả năng hấp thu kém. Nên tiến hành điều trị theo nguyên tắc:

- Bổ mà không gây nê trệ, dưỡng mà không táo...

- Phối ngũ dược liệu phù hợp với tính năng dược vật, bổ nhưng tránh gây thiên lệch, giúp cho khí huyết lưu thông, tỳ vị năng kiện vận, âm dương bình hành.

Bổ hư phải chú ý đến hai tạng Tỳ và Thận: Quá trình lão hoá tác động trực tiếp đến tạng Tỳ và Thận. Vì Tỳ chủ hậu thiên, là nguồn gốc sinh hóa của khí huyết; Thận chủ tiên thiên, là nơi chứa thủy hỏa, điều tiết âm dương. Do đó, khi điều trị bệnh cho người cao tuổi cần chú ý đến việc bồi bổ, bảo tồn công năng của ngũ tạng lục phủ trong đó chủ yếu là Tỳ và Thận.

Khi lập phương thuốc phải (đối chứng lập phương) rõ ràng: Bệnh ở người cao tuổi thường diễn ra phức tạp, hư thực lẫn lộn, hàn nhiệt thác tạp, ngũ tạng suy tổn, khí huyết bất túc. Khi điều trị, không những cần phải điều trị chủ chứng, mà còn phải chú ý đến những chứng hậu kèm theo. Do đó, cần có sự phối ngũ các vị thuốc một cách nghiêm ngặt, chủ khách phân minh.

Với các nguyên tắc trên cho thấy kinh nghiệm chăm sóc và điều trị bệnh người cao tuổi khá phong phú và phân định rõ ràng, bởi vì cũng giống như YHHĐ quan niệm bệnh ở người cao tuổi như tảng băng chìm, YHCT nhận định bệnh ở người cao tuổi diễn biến phức tạp, cùng một bệnh nhưng ở người trẻ và trung niên sẽ diễn biến khác. Do vậy, việc điều trị cũng có những nguyên tắc riêng cần chú ý. Điều này sẽ tạo thêm niềm tin cho sự kết hợp Đông - Tây y trong điều trị cho từng loại bệnh cụ thể, cũng như chăm sóc để làm chậm lại sự lão hoá trên người.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bảo, Trần Quốc (2010), Lý luận cơ bản y học cổ truyền, NXB Y Học.
  2. Khìu, Bành Văn and Khánh, Đặng Quốc (2002), Những học thuyết cơ bản của y học cổ truyền, NXB Hà Nội.
  3. Kirkland, James L. (2016), "Cellular Mechanisms of Aging", in Fillit, Howard M., Rockwood, Kenneth, and Young, John B., Editors, Brocklehurst's textbook of geriatric medicine and gerontology, Elsevier Health Sciences, pp. 47-51.
  4. Lai, Chao-Qiang, Parnell, Laurence D., and Ordovás, José M. (2016), "Genetic Mechanisms of Aging", in Fillit, Howard M., Rockwood, Kenneth, and Young, John B., Editors, Brocklehurst's textbook of geriatric medicine and gerontology, Elsevier Health Sciences, pp. 43-45.
  5. Ren, Yan-bo, et al. (2015), "Shen-Jing as a Chinese medicine concept might be a counterpart of stem cells in regenerative medicine", Chinese journal of integrative medicine, pp. 1-7.
  6. Thành, Tiến (2017), Hoàng đế nội kinh linh khu, NXB Hồng Đức.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay

Nguyên Trưởng bộ môn Bệnh học Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y dược TP. HCM

Theo Tạp chí Sức Khỏe

 

Bạn muốn đặt câu hỏi cho Nguyễn Thị Bay
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Ý kiến của bạn ({{ pagination.lastes.total }})
Bài viết khác của Nguyễn Thị Bay
{{ item.desc.name }}
Bài viết khác - Y học cổ truyền
{{ item.desc.name }}
{{ item.desc.name }}
Banner Hỏi đáp Bác sĩ Banner Cơ sở y tế banner 1 trong 4 box (Thư viện BS) Banner Trò chuyện cùng BS
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Sức Khoẻ

Vui lòng để lại thông tin và Chuyên khoa bạn quan tâm, Sức Khỏe sẽ gửi đến bạn những cập nhật mới nhất qua Email của bạn.