Hương liệu pháp trong thai kỳ

BS. Nguyễn Thị Bay
  • Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ
  • Y học cổ truyền
  • Nguyên Trưởng Cơ sở 3
  • Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM
Xem thêm thông tin
Hương liệu pháp là phương pháp sử dụng tinh dầu trong điều trị, hay nói khác đi là sử dụng các loại thảo dược có mùi hương để trị bệnh, là một phần trong nền y học truyền thống. Gần như mọi nơi trên thế giới đều có sử dụng các thảo dược có hương thơm trong hệ thống chăm sóc sức khỏe. Đến ngày nay, y học cổ truyền đang được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới. Các quốc gia có lịch sử lâu đời trong dùng hương liệu từ thảo dược để trị bệnh như Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Hy Lạp, Pháp, Iraq, Syria, Anh, Mỹ, Tây Tạng... Các dạng dùng sơ khai như xông hơi, hít, tắm.

Hương liệu pháp trong thai kỳ

Rene-Maurice Gattefossé (1881-1950) đã khám phá ra tác dụng trị liệu của tinh dầu. Ông dùng tinh dầu chanh, hương thảo, cúc, đinh hương để điều trị vết thương cho quân lính trong thế chiến thứ nhất. Đến thế chiến thứ hai, tinh dầu được dùng trong sát trùng vết thương và khử trùng dụng cụ phẫu thuật. Marguerite Maury sử dụng và phân loại tinh dầu để sử dụng cho các chuyên ngành khác nhau như ngoại khoa, da liễu, sản phụ khoa, nội khoa, tâm thần, spa, vật lý trị liệu, y học thể thao và thẩm mỹ. Quyển sách Le Capital Jeunesse của bà xuất bản năm 1961 phát triển các phương pháp ứng dụng tinh dầu trong massage da (1). Jean Valnet (1920-1995) là một bác sĩ quân đội, ông xuất bản quyển Aromatherapie năm 1969, là sách đầu tiên viết về hương liệu pháp, là sách được viết bởi một bác sĩ với đầy đủ các ca lâm sàng và nhiều tài liệu tham khảo...

Hiện nay có 3 loại hình hương liệu pháp: Hương liệu pháp thẩm mỹ (Aesthetic aromatherapy), Hương liệu pháp lâm sàng (Clinical aromatherapy) và Hương liệu pháp tổng thể (Holistic aromatherapy). Hương liệu pháp lâm sàng tập trung vào điều trị các bệnh lý hoặc triệu chứng cụ thể trên lâm sàng như nôn, đau và có thể đo lường được kết cục điều trị. Hương liệu pháp lâm sàng có thể sử dụng tinh dầu dạng uống hoặc dạng dùng ngoài da.

Hương liệu pháp trong thai kỳ

Đặc biệt trong sản phụ khoa, từ kinh nghiệm dân gian đến khoa học đều có hướng dẫn sử dụng hương liệu hay tinh dầu để chăm sóc thai phụ trong thời kỳ mang thai và sau sinh. Hành trình mang thai ở người phụ nữ, liên quan nhiều đến đến nội tiết tố là Human Chorionic Gonadotropin (hCG). Đây là hormone có bản chất peptid, được tiết ra từ hợp bào nuôi, có vai trò kích hoạt các tế bào mầm của bào thai phát triển và trưởng thành. Đồng thời, hCG còn giúp kích thích tiết ra hormone sinh dục, hình thành giới tính của thai nhi.

Chúng ta biết rằng, kinh nguyệt ở người phụ nữ do hai nội tiết tố là Estrogen và Progesteron hình thành, nửa chu kỳ sau cho đến ngày hành kinh Progestern sản xuất ưu thế làm dày và nuôi dưỡng lớp nội mạc tử cung, nếu không thụ thai, lớp nội mạc này tróc ra và hành kinh. Nhưng nếu được tiếp xúc với tinh trùng và thụ tinh, nang trứng biến thành một cấu trúc mới gọi là hoàng thể. Hoàng thể tiếp tục sản xuất progeteron và estrogen. Progesterone làm dày niêm mạc tử cung. Mạch máu phát triển bên trong lớp lót. Những mạch máu này sẽ cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho phôi đang phát triển.

Khi mang thai, cơ thể cũng sẽ bắt đầu sản xuất hCG. Hormone này duy trì hoàng thể. Hoàng thể tiếp tục sản xuất progesterone cho đến khoảng tuần thứ 10 của thai kỳ. Sau đó nhau thai sẽ sản xuất progesterone. Mức progesterone tăng trong suốt thai kỳ, đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra nhiều thay đổi trong cơ thể người phụ nữ mang thai. Vào những tháng cuối của thai kỳ, với sự phát triễn của thai nhi, bụng ngày càng to dần, để giữ cho trọng tâm cơ thể cân bằng, một số cơ lưng phải tăng sức chịu lực, tăng co cơ, gây mệt mỏi quá mức và cảm giác đau lưng rõ rệt hơn, các cơn gò tử cung cùng với sự xoay chuyển của bào thai, làm cho thai phụ dễ bị mệt mỏi, khó ngủ, tê bì, phù chân, rạn da bụng - mông đùi...

Nhằm chăm sóc cho người phụ nữ trong thời kỳ mang thai được tốt, ngoài chế độ dinh dưỡng đa dạng đủ chất đủ các vitamin cần thiết không chỉ cho mẹ mà đảm bảo sự phát triển tốt cho thai nhi, ngoài việc luyện tập đều đặn giúp máu huyết lưu thông, ngủ nghỉ đầy đủ, uống nước đủ... người ta còn chú trọng việc giúp thai phụ vượt qua những khó khăn trong suốt thai kỳ bằng hương liệu pháp, như sử dụng tinh dầu bạc hà, tinh dầu tràm để giảm bớt các cơn ốm nghén, dùng tinh dầu tràm hay tinh dầu bạch đàn nhằm giảm mệt mỏi cơ, đau lưng, tê bì...

Hương liệu pháp trong thai kỳ

Hiệu quả của tinh dầu trong thai kỳ

Khoa học đã minh chứng những kinh nghiệm sử dụng tinh dầu trong dân gian là có cơ sở khoa học.

Maryam Kianpour và cộng sự vào năm 2018 (3) đã công bố công trình nghiên cứu trên 105 phụ nữ mang thai ở tuần 35-37 của thai kỳ. Can thiệp sử dụng tinh dầu lavender (7 giọt) và tinh dầu hoa hồng (1 ml), đối chứng với giả dược. Kết quả cho thấy tinh dầu lavender và tinh dầu hoa hồng đường hít có tác dụng làm giảm trầm cảm ở phụ nữ mang thai.

Narges Joulaeerad và cộng sự cũng năm 2018 (2) đã nghiên cứu trên 56 phụ nữ mang thai từ 6 đến 20 tuần mà có nôn ói do thai nghén. Can thiệp bằng hít tinh dầu bạc hà và so sánh với giả dược. Kết quả thấy rằng hít tinh dầu bạc hà có tác dụng làm giảm nôn ói trên thai phụ có thai nghén.

Pao-Ju Chen và cộng sự vào năm 2007 (1) nghiên cứu trên 52 thai phụ thấy rằng xoa bóp với tinh dầu lavender 2% trong 70 phút, 10 lần trong 20 tuần có tác dụng làm cải thiện stress và tăng cường chức năng miễn dịch.

Một tổng quan hệ thống của hai tác giả Giti Ozgoli và Marzieh Saei Ghare Naz năm 2018 (4) phân tích từ các nghiên cứu của Pasha (2012), và Joulaee‑Rad (2015) sử dụng tinh dầu bạc hà. Yavarikia (2014) sử dụng tinh dầu chanh (10ml x 4 ngày) cho thấy rằng sử dụng tinh dầu đường hít có tác dụng làm giảm nôn ói do thai nghén và các nghiên cứu đưa vào phân tích đều không thấy có tác dụng phụ nào ở nhóm can thiệp sử dụng tinh dầu. Trong đó hai nghiên cứu Tổng quan của Jackie Tillett và cs (2010) (5) cũng cho nhận xét rằng hương liệu pháp trên phụ nữ mang thai không gây hại cho mẹ lẫn bào thai và trẻ sơ sinh. Cách sử dụng thông thường là tẩm vào khăn tay để ngửi, hít khi có cơn buồn nôn hay chóng mặt, pha trong dầu dừa để thoa lên vùng da rạn ở bụng, mông, đùi, ngực... hoặc pha trong nước tắm.

Hương liệu pháp trong thai kỳ

Ngoài ra, một số chỉ định các loại tinh dầu có thể dùng theo rối loạn trên phụ nữ mang thai:

Mất ngủ: tinh dầu lavender hoặc tinh dầu bergamot, 1-2 giọt.

Đau lưng: tinh dầu lavender, hoặc tinh dầu trầm hương.

Trĩ: tinh dầu đỗ tùng.

Đau đầu: tinh dầu trắc bách diệp, lavender, trầm hương.

Lưu ý, khi dùng tinh dầu cho mình và trẻ nhỏ, các thai phụ sẽ cần lưu ý những điều để tránh gặp tác dụng không mong muốn như tránh các mùi tinh dầu mà bà mẹ hoặc trẻ đã từng dị ứng, tránh sử dụng quá liều, tránh các loại tinh dầu không rõ nguồn gốc, có chứa các chất gây kích ứng da và niêm mạc, tránh sử dụng thời gian dài.

Tóm lại, mang thai và sinh con là một hạnh phúc lớn lao của cuộc đời người phụ nữ, nhưng cũng là một gánh nặng, một cú stress nặng cho cơ thể mà người mẹ cần phải vượt qua. Ngoài chế dộ dinh dưỡng, ngoài hương liệu giúp trải qua các cơn ốm nghén hay thai hành một cách nhẹ nhàng, để duy trì sức khoẻ tốt cho ngày vượt cạn, thai phụ cũng cần chú ý chế độ sinh hoạt và tập luyện như:

Cần mặc áo quần rộng rãi, thoáng. Cần tập thể dục đều đặn giúp máu huyết lưu thông tốt - cơ bắp dẻo dai. Có thể tham dự một lớp thể dục tiền sản phù hợp, ngoài ra thai phụ cũng có thể tự tập bằng cách đi bộ, bơi lội, yoga hoặc đạp xe tại chỗ.

Cần ngủ đủ giấc và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, nhất là vào 3 tháng cuối thai kỳ giúp việc sinh nở diễn ra dễ dàng hơn.

Trong tháng đầu và tháng cuối thai kỳ, không nên quan hệ tình dục vì điều này ở tháng đầu có thể gây sẩy thai và tháng cuối dễ gây co bóp tử cung và sinh non.

Hương liệu pháp trong thai kỳ

Bên cạnh đó, cần chú ý việc sử dụng thuốc trong thai kì, một số phụ nữ khi mang thai có sẵn một bệnh nền cần tiếp tục liệu trình điều trị. Điều này luôn cần phải được thầy thuốc tư vấn và theo dõi việc trị liệu, vì một số thuốc có thể gây nguy cơ dị tật, nhiễm độc ở thai nhi. Do vậy, việc khám thai đều đặn mỗi tháng 1 lần hoặc ít nhất mỗi 3 tháng 1 lần trong suốt thai kỳ nhằm đảm bào sức khỏe mẹ và thai phát triển tốt.

Mang thai và sinh con luôn là một thiên chức lớn lao của người phụ nữ, tuy nhiên người chồng, người thân và cả xã hội cũng luôn cần quan tâm chăm sóc cho người phụ nữ mang thai. Bởi vì người mẹ ấy sẽ cho ra đời những công dân mới khoẻ mạnh, lạc quan, góp phần xây dựng và phát triển đất nước và mầm sống tiếp nối của tương lai. Hành trình chín tháng mười ngày “mang nặng đẻ đau” là một hy sinh và cũng là một nghĩa cử. Vinh danh người mẹ chưa bao giờ là đủ.

 Tài liệu tham khảo:

  1. Buckle, Jane (2014), Clinical Aromatherapy: Essential Oils in Healthcare, Elsevier.
  2. Chen, Pao-Ju, et al. (2017), "Effects of aromatherapy massage on pregnant women's stress and immune function: A longitudinal, prospective, randomized controlled trial", The Journal of Alternative and Complementary Medicine. 23(10), pp. 778-786.
  3. Joulaeerad, Narges, et al. (2018), "Effect of aromatherapy with peppermint oil on the severity of nausea and vomiting in pregnancy: a single-blind, randomized, placebo-controlled trial", Journal of reproduction & infertility. 19(1), p. 32.
  4. Kianpour, Maryam, et al. (2018), "The effects of inhalation aromatherapy with rose and lavender at week 38 and postpartum period on postpartum depression in high-risk women referred to selected health centers of Yazd, Iran in 2015", Iranian journal of nursing and midwifery research. 23(5), p. 395.
  5. Ozgoli, Giti and Naz, Marzieh Saei Ghare (2018), "Effects of complementary medicine on nausea and vomiting in pregnancy: a systematic review", International journal of preventive medicine. 9.
  6. Tillett, Jackie and Ames, Diane (2010), "The uses of aromatherapy in women's health", The Journal of perinatal & neonatal nursing. 24(3), pp. 238-245.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay

Nguyên Trưởng bộ môn Bệnh học

Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y dược TP.HCM

Theo Tạp chí Sức Khỏe

Bạn muốn đặt câu hỏi cho Nguyễn Thị Bay
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Ý kiến của bạn ({{ pagination.lastes.total }})
Bài viết khác của Nguyễn Thị Bay
{{ item.desc.name }}
Bài viết khác - Y học cổ truyền
{{ item.desc.name }}
{{ item.desc.name }}
Banner Hỏi đáp Bác sĩ Banner Cơ sở y tế banner 1 trong 4 box (Thư viện BS) Banner Trò chuyện cùng BS
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Sức Khoẻ

Vui lòng để lại thông tin và Chuyên khoa bạn quan tâm, Sức Khỏe sẽ gửi đến bạn những cập nhật mới nhất qua Email của bạn.