Dinh dưỡng trong bệnh lý Tai-Mũi-Họng

BS. Đào Thị Yến Thủy
  • Bác sĩ
  • Dinh dưỡng - Tiết chế
  • Cố vấn cao cấp
  • BỆNH VIỆN ĐA KHOA HẠNH PHÚC
Xem thêm thông tin
Các bệnh lý Tai-Mũi-Họng có thể nói là nhóm bệnh thường gặp nhất của trẻ em và người lớn, thậm chí ở người cao tuổi. Người nào ít bệnh nhất cũng thỉnh thoảng bị đau họng, ho khan hoặc hắt xì, sổ mũi... của chứng viêm mũi, viêm họng hoặc viêm amidan, viêm tai, viêm xoang... Thường tác nhân hay gặp là nhiễm trùng các loại siêu vi (virus), cũng có thể do nhiễm vi trùng, một số ít là nhiễm nấm...

Dinh dưỡng trong bệnh lý Tai-Mũi-Họng

Triệu chứng thường gặp của bệnh lý Tai-Mũi-Họng là hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi, đau họng, ho, hoặc đau tai, chảy mủ tai, dấu hiệu tòan thân như sốt cao, đau cơ bắp, chảy nước mắt, đỏ nhẹ mi mắt, mệt mỏi, đắng miệng, giảm ăn... từ vài ngày đến vài tuần tùy vào lọai bệnh, độc lực tác nhân gây bệnh và sức đề kháng của cơ thể. Khi mắc các bệnh về tai mũi họng, rõ ràng việc ăn uống cho cơ thể cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Trẻ em khi bị nghẹt mũi sẽ bú kém và thỉnh thoảng phải nhả núm vú để thở! Ho quá nhiều cũng dể gây nôn ói. Người lớn bị đau họng, sốt, mệt người cũng ăn kém đi, huống hồ là trẻ em! Quá trình này có thể chỉ xảy ra vài ngày, lâu hơn thì vài tuần, có thể dẫn đến thiếu dinh dưỡng, mà ăn uống thiếu đạm, thiếu sắt, kẽm, lysine, thiếu vitamin A, Vitamin B... càng làm tình trạng biếng ăn gia tăng. Nếu không kịp phục hồi dinh dưỡng sau bệnh thường sẽ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng sau đó. Vì vậy vấn đề dinh dưỡng hợp lý trong thời gian mắc bệnh, dù là các bệnh lý Tai-Mũi-Họng nhẹ nhàng và phục hồi dinh dưỡng sau bệnh là điều chúng ta cần lưu ý, đặc biệt đối với những đối tượng nguy cơ như trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi... 

Dinh dưỡng trong bệnh lý Tai-Mũi-Họng

Dinh dưỡng hợp lý khi đang mắc bệnh

Hãy cho người bệnh ăn được chút nào hay chút đó, những loại thức ăn thông thường hàng ngày, nấu mềm hay xay nhỏ, thêm đủ nước... cho người bệnh dễ tiêu hóa, dễ nuốt, theo ý thích và cảm nhận của người bệnh lúc này. Nếu người bệnh ăn chậm có thể kéo dài bữa ăn đến 30-45 phút, nếu người bệnh không muốn ăn cơm, cháo nữa nhưng ăn được ít quá thì hãy thử mời thêm những thực phẩm khác như bánh, sữa, chè đậu, trái cây... bù lượng cháo thiếu. Nếu người bệnh ăn mỗi bữa chỉ được ít thì hãy cho nghỉ 2-3 tiếng rồi lại ăn bữa nhỏ khác. Ngoài 3 bữa chính hãy thêm 2-3 bữa sữa xen kẽ cho dễ uống mà đủ chất. Lúc này không cần ăn bồi bổ, không cần ăn nhiều hơn hay cố nhét những thực phẩm đặc biệt bổ dưỡng mà ít ăn như yến sào, sâm, nhung... vì nguy cơ thực phẩm lạ bụng gây dị ứng, khó tiêu hoặc đau bụng, tiêu chảy... Người bệnh nôn ói nhiều hoặc ăn ít quá thì có thể “cầm hơi” bằng ly nước đường (pha 200ml nước với 4-5 muỗng đường cát), không nên pha nước chanh đường hay vắt nước cam chua cho uống lúc bụng trống thì sẽ dễ bị loét dạ dày nguy hiểm.

Dinh dưỡng trong bệnh lý Tai-Mũi-Họng

Thường khi sốt, ho, chảy mũi nhiều, ăn ít... thì cơ thể cần bổ sung thêm nhiều nước. Có thể dùng nước lọc, nước khoáng... uống lai rai trong ngày. Nếu khó uống nước do lạt miệng và ăn kém thì có thể pha nước muối đường (1 lít nước pha 8 muỗng cà phê đường và 1 muỗng cà phê muối) để uống dần từng ít một. Ăn cháo loãng, súp... cũng là một cách vừa bù nước vừa thêm dinh dưỡng. Nếu miệng, họng, lưỡi bị lở, loét đau nhiều gây khó nuốt, có thể tạm dùng các sản phẩm mát lạnh như sữa chua, kem, bánh flan, sữa tươi trong ngăn mát tủ lạnh... vì độ mát lạnh sẽ làm tê và giảm cảm giác đau khi ăn. Có thể cho người bệnh ăn trái cây tươi để có vitamin C tăng cường sức đề kháng chống nhiễm trùng. Tốt nhất là ăn nguyên trái nguyên xơ, nếu khó ăn có thể xay sinh tố hay ép nước uống cũng có thể chấp nhận được. Chú ý không nên kiêng khem không hợp lý như quan niệm “ho thì không ăn loại thực phẩm có dầu mỡ”, “bệnh thì không được ăn chuối”, “bệnh là phải ăn cháo trắng”... Chỉ nên kiêng những thực phẩm người bệnh bị dị ứng hoặc nhiều lần bị “khó chịu bụng” khi ăn vào.

Dinh dưỡng trong bệnh lý Tai-Mũi-Họng

Phục hồi dinh dưỡng sau khi hết bệnh

Các bữa ăn tăng cường dinh dưỡng sau bệnh cần có đa dạng nhiều loại thực phẩm để ăn đủ chất, đủ lượng và ngon miệng. Một ngày nếu có thể đưa vào cơ thể từ 20-30 loại thực phẩm khác nhau, mỗi thứ một ít, là rất tốt. Mỗi ngày ngoài 3 bữa chính vẫn cần 2-3 bữa phụ nhỏ xen kẽ bữa chính. Bữa chính cần có đủ bốn nhóm: chất bột đường (cơm, bún, mì, nui, bánh mì...), chất đạm (thịt, cá, trứng, tôm, đậu hũ...) làm món mặn, dầu mỡ để nấu ăn, rau củ quả để làm món xào, món canh, tráng miệng. Cần chú ý ăn đủ đạm, ăn nhiều bột (ăn thêm cơm) và nhiều béo nếu muốn tăng cân. Các bữa ăn phụ thì có thể uống sữa, ăn khoai, bắp hay bánh, trái để bổ sung năng lượng và dưỡng chất. Đối với việc lựa chọn sữa để bồi dưỡng, chú ý chọn loại phù hợp với nhu cầu mới. Cần bổ sung dinh dưỡng do ăn quá ít, cần tăng cân thì chọn sữa cao năng lượng, nhiều béo nhiều đường. Người bệnh lý đái tháo đường thì vẫn phải dùng sữa đái tháo đường... Thời gian bồi dưỡng cần kéo dài cho đến khi người bệnh đạt cân nặng lý tưởng.

BS CKI Đào Thị Yến Thủy

Trưởng Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Theo Tạp chí sức khỏe

Bạn muốn đặt câu hỏi cho Đào Thị Yến Thủy
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Ý kiến của bạn ({{ pagination.lastes.total }})
Bài viết khác của Đào Thị Yến Thủy
{{ item.desc.name }}
Bài viết khác - Dinh dưỡng - Tiết chế
{{ item.desc.name }}
{{ item.desc.name }}
Banner Hỏi đáp Bác sĩ Banner Cơ sở y tế banner 1 trong 4 box (Thư viện BS) Banner Trò chuyện cùng BS
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Sức Khoẻ

Vui lòng để lại thông tin và Chuyên khoa bạn quan tâm, Sức Khỏe sẽ gửi đến bạn những cập nhật mới nhất qua Email của bạn.