Nuôi con bằng sữa mẹ

BS. Vũ Thị Nhung
  • Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ
  • Sản phụ khoa
  • Nguyên Giám đốc
  • Bệnh viện Hùng Vương
Xem thêm thông tin
Ở loài người, sữa mẹ là thức ăn lý tưởng nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ được sản xuất ở tuyến vú của mẹ. Đây là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ khi mới sinh và trong giai đoạn nhũ nhi trước khi trẻ có thể ăn và tiêu hóa thức ăn.

PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung - Chủ tịch Hội Phụ sản TP.HCM
Nguyên Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương

Ở loài người, sữa mẹ là thức ăn lý tưởng nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ được sản xuất ở tuyến vú của mẹ. Đây là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ khi mới sinh và trong giai đoạn nhũ nhi trước khi trẻ có thể ăn và tiêu hóa thức ăn. Không chỉ là nguồn dinh dưỡng tiêu chuẩn, nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) còn có nhiều lợi ích về sức khỏe, kinh tế và xã hội. 

Sữa mẹ được sản xuất ở tuyến vú của mẹ

Cơ chế tạo sữa mẹ

Bé gái khi đến tuổi dậy thì, những thay đổi nội tiết giúp tuyến vú phát triển. Mỗi tháng, sau khi có hiện tượng phóng noãn, vú thường cương to và đau, đây là dấu hiệu tuyến vú chuẩn bị để sẵn sàng cho sự mang thai và tạo sữa. Nếu không có thai, sự cương đau của tuyến vú sẽ mất và một chu kỳ mới lại bắt đầu. Khi bắt đầu có thai, vú sẽ tiếp tục phát triển để chuẩn bị tạo sữa. Các nội tiết tố Estrogen và progesterone làm phát triển các ống dẫn sữa và mô sản xuất sữa nên vú tăng kích thước, tăng lượng máu đến vú. Trong tam cá nguyệt thứ 2 của thai kỳ, khoảng tuần lễ thứ 16, tuyến vú bắt đầu sản xuất sữa mẹ đầu tiên gọi là sữa non. Chỉ sau khi sinh, tuyến vú mới thật sự sản xuất sữa để thực hiện chức năng nuôi con bằng sữa mẹ. Có 2 yếu tố điều khiển sự tổng hợp sinh sữa:

Nội tiết tố Prolactin là hormone do thùy trước tuyến yên tiết ra sau mỗi cữ bú để tạo sữa cho cữ bú tiếp theo. Prolactin hoạt động nhờ có những thụ thể nằm trên những tế bào sản xuất sữa của nang tiết sữa có tác dụng làm tăng sự tạo sữa bằng cách kích hoạt sự tổng hợp alpha-lactalbumin là một protein điều hòa hệ thống enzyme tổng hợp lactose ở nang sữa.

Trong sữa có chứa loại protein đặc biệt gọi là chất ức chế phản hồi của sự tạo sữa giúp làm chậm sự tổng hợp sữa khi vú căng sữa. Khi vú cạn sữa thì có ít protein này nên mất tác dụng ức chế sự sinh sữa và sữa lại được tạo ra làm đầy vú. Đây là cách giúp bảo vệ mô vú khỏi bị tổn hại do quá căng đầy.

Nếu cho bú đúng cách, người phụ nữ bình thường có thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ngay cả khi sinh song thai. Muốn mau lên sữa thì ngay khi mới sinh hãy cho bé bú sữa non càng sớm càng tốt (trong nửa giờ đầu sau khi sinh), và chỉ cho bé bú sữa này, không cho ăn hay uống thêm bất cứ thứ gì để bé tận dụng toàn bộ nguồn sữa non của mẹ. Cho bé bú sớm, mẹ bé sẽ nhanh cầm máu nhờ chất Oxytocine tiết ra do phản xạ mút vú giúp co cơ tử cung và sữa xuống nhanh hơn. Một điều nữa là bé bú mẹ sẽ được gần gũi mẹ, được mẹ luôn âu yếm, yêu thương. Điều đó rất tốt cho sự phát triển thể lực và tinh thần của bé. Lượng sữa mẹ ít phụ thuộc vào kích thước vú mà phụ thuộc vào động tác bú của trẻ và sự hoạt động của các tuyến vú chịu tác động của các hormone prolactin, oxytocin và các chất ức chế tạo sữa. Động tác trẻ bú mẹ tạo nên những xung động cảm giác từ núm vú, kích thích tuyến yên tiết ra hai hormone là prolactin và oxytocin vào tuần hoàn máu mẹ. Oxytocin là hormone của thùy sau tuyến yên, kích thích tế bào cơ trơn bao quanh nang sữa ở tuyến vú co bóp, đẩy sữa ra ngoài qua hệ thống ống tuyến. 

Cơ chế tạo sữa mẹ

Các giai đoạn tạo sữa mẹ

Sữa mẹ được tạo thành qua 3 giai đoạn: giai đoạn sữa non, giai đoạn sữa chuyển tiếp và giai đoạn sữa trưởng thành.

Sữa non là thức ăn đầu tiên của sự sống (tên khoa học gọi là Colostrum) là một loại sữa mẹ đặc biệt, một dạng vật chất có màu vàng, đặc, xuất hiện vào cuối thời kỳ mang thai và có trong tuyến vú của người mẹ trong vòng 5 ngày đầu sau khi sinh. Khoảng tháng thứ 7, thai phụ bắt đầu có dấu hiệu tiết sữa non. Một số người mẹ thấy ngực mình chảy sữa ở giai đoạn sớm hơn, tháng thứ 5 hoặc thứ 6. Một số người mẹ khác không có dấu hiệu tiết sữa non mặc dù tuyến sữa vẫn hoạt động khá tốt. Ban đầu, người mẹ sẽ thấy đầu núm vú có những bợn trắng. Đó là dấu hiệu cảnh báo chuẩn bị tiết sữa non.

Mặc dù khối lượng ít, nhưng sữa có nồng độ dinh dưỡng cao, sữa non đặc sánh, màu vàng nhạt, rất giàu chất đạm, kháng thể, chứa vitamin A và bạch cầu. Lượng đạm trong sữa non nhiều gấp 10 lần trong sữa trưởng thành và nhiều thành phần quan trọng khác như immunoglobulin, các yếu tố tăng trưởng, kháng thể, giúp cho trẻ sơ sinh chống lại bệnh tật, phát triển và khỏe mạnh Điều này cho thấy nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tự nhiên, an toàn, lành mạnh. Nếu sanh mổ, tình trạng có sữa non cũng giống như khi sinh thường và đều có yêu cầu cho con bú càng sớm càng tốt (trong nửa giờ đầu sau khi sinh).  Bé càng bú nhiều càng kích thích vú mẹ sản xuất nhiều sữa, nhất là khi mẹ cho bé bú vào ban đêm, cho bé bú thường xuyên theo nhu cầu của bé.

Sữa chuyển tiếp

Sữa chuyển tiếp thường được tuyến vú tiết ra trong khoảng 1-2 tuần sau sinh. So với sữa non, sữa chuyển tiếp có nồng độ protein, globulin miễn dịch thấp hơn. Trong khi đó lại có sự tăng nồng độ chất béo, lactose và nhiều năng lượng hơn. So với sữa trưởng thành, sữa chuyển tiếp có nồng độ cao các vitamin tan trong nước, nồng độ thấp các vitamin tan trong dầu.

Sữa trưởng thành

Sữa trưởng thành có sự khác nhaugiữa sữa đầu cữ bú và sữa cuối cữ bú. Sữa đầu có nhiều nước, loãng, ít chất béo và chứa ít calories (năng lượng). Sữa cuối thì đặc hơn, nhiều chất béo và cung cấp nhiều calories hơn. Ví vậy, nên cho trẻ bú hết bầu sữa để trẻ được tận dụng hết chất dinh dưỡng của sữa mẹ. Nước là thành phần chính yếu của sữa mẹ, đóng vai trò quan trọng vào cơ chế điều nhiệt ở trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn vẫn đảm bảo được cung cấp nước đầy đủ, không cần bổ sung nước từ bất cứ nguồn nào khác (không cần cho trẻ uống thêm nước lọc). Đa số các trường hợp thiếu sữa chỉ là do con bú không đúng cách và cho bú không thường xuyên. Dùng máy hút sữa cũng là một trong những biện pháp có tác dụng kích sữa rất hiệu quả. 

Các giai đoạn tạo sữa mẹ

Thành phần sữa mẹ

Các động vật có vú đều có sản xuất ra sữa thích hợp cho việc nuôi con của mỗi loài và thường khác sữa của loài người. Ví dụ như sữa bò chứa ít sắt, ít sinh tố A, E, C, D, acid béo chưa no hay acid béo chính yếu cần cho trẻ em, nhưng lại chứa nhiều protein, Natri, Kali, Phospho, Clor là những chất tạo gánh nặng trên mô thận còn non nớt của trẻ nhỏ. Ngoài ra, protein, chất béo và calci ở sữa bò còn khó tiêu hóa và khó hấp thu cho trẻ hơn sữa mẹ. Sữa mẹ chứa 0.9% là protein bao gồm casein, albumin, αlactalbumin, β-lactoglobulin, globulin miễn dịch, glycoprotein, lactoferrin và các amino acid. Casein còn gọi là c protein dễ đông. Sữa ở loài người nhiều Casein hơn sữa bò. Lactalbumin hay còn gọi là protein không đông, hòa tan trong sữa và dễ hấp thu hơn casein. Lactalbumin chiếm 60% protein sữa mẹ trong khi casein chiếm 80% protein trong sữa bò. Lactoferrin là một lactalbumin trong sữa mẹ có hoạt tính enzyme, có chức năng như yếu tố kháng khuẩn, kháng virus, kháng u và các chức năng miễn dịch khác. Amylase, lipase, protease, phosphatse có trong sữa mẹ hổ trợ tích cực cho tiêu hóa non nớt của trẻ sơ sinh. Sữa non có nồng độ IgA cao gấp 5 lần so với IgG trong khi điều ngược lại xảy ra ở sữa trưởng thành (IgG cao gấp 5 lần IgA). Nồng độ cao IgA trong những ngày đầu tiên của cuộc sống giúp sơ sinh chống lại sự xâm nhập của vi sinh vật, thích nghi với môi trường ngoài buồng tử cung. Vitamin A và carotene đóng vai trò thiết yếu cho sự phát triển của võng mạc và có nhiều trong sữa mẹ đặc biệt là sữa non. Vitamin D tan trong dầu có vai trò quan trọng trong sự phát triển của xương. Vitamin D hiện diện trong sữa non nhiều hơn sữa trưởng thành. Vitamin E cần thiết cho sức bền của hồng cầu, cho sự toàn vẹn của hệ cơ và các chức năng khác. Hàm lượng trong sữa mẹ đủ cung cấp cho nhu cầu cơ thể của trẻ. Vitamin K cần thiết cho tổng hợp các yếu tố đông máu. Vitamin K là sản phẩm do hệ vi sinh vật đường ruột, chỉ tổng hợp sau sanh vài ngày. Vì vậy, trẻ sơ sinh cần bổ sung vitamin K ngay sau sanh để ngừa xuất huyết não. Vitamin C là thành phần cấu tạo của nhiều enzyme, hormone, collagen, là chất xúc tác của nhiều phản ứng hóa học trong cơ thể. Chế độ ăn của mẹ hợp lý cung cấp đủ nhu cầu vitamin C cho trẻ bú mẹ. Sắt có nồng độ cao trong sữa mẹ và tồn tại dưới dạng dễ hấp thu. Sữa mẹ có nồng độ Calcium cao hơn sữa bò. Kẽm cũng tồn tại trong sữa mẹ dưới dạng dễ hấp thu giúp bảo vệ da. Ngoài ra trong sữa mẹ còn có đồng, selen, crom, magie, niken, flor, iod và các thành phần khác.

Ích lợi của nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ đem lại lợi ích cho cả mẹ và con.

Về phía mẹ: con bú mẹ giúp tử cung co hồi tốt nhờ tác dụng của oxytocin được tiết ra khi bé mút vú, qua đó làm giảm lượng máu mất sau sanh. Mẹ chậm có kinh trở lại giúp tránh thai trong 6 tháng đầu hậu sản. Mẹ nhanh chóng lấy lại vóc dáng sau sinh. Nuôi con bằng sữa mẹ vừa an toàn, vừa sinh lý và tiết kiệm chi phí hơn so với sữa công thức. Cho con bú mẹ thì không phải mất thời gian để pha chế, hâm nóng sữa và chùi rửa tiệt trùng bình sữa núm vú.

Về phía con: Con bú mẹ giúp tình cảm mẹ con phát triển, gắn bó. Trẻ có cảm giác yêu thương, an toàn nên dễ dàng thích nghi và tồn tại với cuộc sống mới bên ngoài buồng tử cung. Sữa mẹ giúp phát triển hệ thống vi khuẩn đường ruột có lợi cho phản ứng miễn dịch và phát triển tế bào não của trẻ trưởng thành. Trẻ bú mẹ sẽ thông minh, khỏe mạnh, Các chất diệt khuẩn như lactoferrine, bạch cầu, lysozyme, yếu tố bifidus... giúp trẻ tăng cường sức đề kháng. IgA trong sữa mẹ còn phòng tránh nhiều bệnh dị ứng cho trẻ như chàm, suyễn. Sữa non tạo điều kiện để hình thành và tống xuất phân su. Phân su chứa những yếu tố thuận lợi cho sự tạo lập vi khuẩn có lợi ở đường tiêu hóa là Lactobacillus. Sữa non cũng có nồng độ cao các chất chống oxy hóa và kháng thể bảo vệ trẻ khỏi sự xâm nhập và khỏi sự gây bệnh của vi sinh vật trong đường sinh dục mẹ và trong môi trường mới ngoài buồng tử cung.

Thành phần sữa mẹ

Một số điều cần lưu ý khi NCBSM 

Nuôi con bằng sữa mẹ

UNICEF khuyến cáo các bà mẹ khi trở lại công việc sau thời kỳ nghỉ hậu sản vẫn nên tiếp tục NCBSM ít nhất 1 năm nữa để tận dụng hết lợi ích của việc NCBSM. Một số điều cần lưu ý là hầu như ít khi có chống chỉ định việc NCBSM trừ một số trường hợp mẹ bị suy tim nặng, mắc những bệnh cấp tính nguy hiểm đến tính mạng còn ngay cả khi mẹ bị bệnh viêm gan B hay thậm chí nhiễm HIV vẫn có thể cho con bú nếu không thể mua sữa công thức thay sữa mẹ nhưng thời gian cho con bú không nên kéo dài để giảm khả năng lây truyền bệnh sang con.

PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung

Chủ tịch Hội Phụ sản TP.HCM

Nguyên Giám đốc BV Hùng Vương

Theo Tạp Chí Sức Khỏe

Bạn muốn đặt câu hỏi cho Vũ Thị Nhung
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Ý kiến của bạn ({{ pagination.lastes.total }})
Bài viết khác của Vũ Thị Nhung
{{ item.desc.name }}
Bài viết khác - Sản phụ khoa
{{ item.desc.name }}
{{ item.desc.name }}
Banner Hỏi đáp Bác sĩ Banner Cơ sở y tế banner 1 trong 4 box (Thư viện BS) Banner Trò chuyện cùng BS
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Sức Khoẻ

Vui lòng để lại thông tin và Chuyên khoa bạn quan tâm, Sức Khỏe sẽ gửi đến bạn những cập nhật mới nhất qua Email của bạn.