Chủ nhật, 11/02/2018, 11:25 (GMT+7)

Bệnh Parkinson và những điều bạn chưa biết

BS. Võ Nguyễn Ngọc Trang
  • Bác sĩ
  • Thần kinh
  • Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn
Xem thêm thông tin
Bệnh Parkinson là bệnh thoái hoá thần kinh thường gặp, chỉ sau bệnh Alzheimer, biểu hiện đặc trưng bằng các cử động bị chậm chạp, cứng đờ, run và rối loạn thăng bằng.
 
Bệnh Parkinson không phải là chuyện tất yếu của tuổi già như nhiều người vẫn nghĩ. Tuy không điều trị khỏi hẳn được, nhưng bệnh nhân có thể chung sống với bệnh trong nhiều năm.

 

Bệnh Parkinson là gì, nguyên nhân bệnh?

Bệnh Parkinson là bệnh thoái hoá thần kinh thường gặp thứ hai chỉ sau bệnh Alzheimer, biểu hiện đặc trưng bằng các cử động bị chậm chạp, cứng đờ, run và rối loạn thăng bằng. Đây là một rối loạn thần kinh tiến triển chậm do thoái hóa tế bào thần kinh ở não, gây thiếu hụt chất dopamine, đưa đến các rối loạn vận động gây tàn phế theo thời gian. Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh, có tác dụng hóa học trong quá trình dẫn truyền tín hiệu giữa các sợi thần kinh trong một số bộ phận trong não. Nhờ chất này giúp cho các cử động của cơ thể chúng ta trở nên dễ dàng hơn. Thiếu dopamine sẽ làm cho các cử động của cơ thể bị chậm lại, còn gọi là chứng chậm vận động, là một trong các triệu chứng chính của bệnh Parkinson. Bệnh là hậu quả của mất dopamine ở não, nhưng căn nguyên gây bệnh thực sự vẫn chưa biết rõ. Đa số các chuyên gia đồng ý rằng căn nguyên của bệnh Parkinson là đa yếu tố, có sự phối hợp giữa tác động của gen với nhiều yếu tố môi trường khác nhau.

 

Chẩn đoán bệnh Parkinson như thế nào?

Cho tới nay vẫn chưa có một xét nghiệm nào có thể dùng để chẩn đoán khẳng định bệnh Parkinson. Người bệnh nên đến gặp bác sĩ khi thấy có một trong các triệu chứng vận động chính của bệnh:

- Run khi nghỉ: Điển hình là dấu hiệu run tay kiểu vê thuốc lá ở tay, đôi khi run ở chân hoặc cằm. Run là dấu hiệu dễ thấy nhất của Parkinson, đặc trưng là run khi nghỉ và thường giảm khi vận động chủ ý.

- Chậm vận động: Là hiện tượng các cử động chủ ý bị chậm lại và giảm các vận động tự động kiểu như vung vẩy tay khi đi. Đây là nguyên nhân chính gây tàn phế, bệnh nhân trở nên chậm chạp, khó khởi phát động tác.

- Cứng đờ: Cứng đờ là hiện tượng tăng trương lực cơ, khi yêu cầu bệnh nhân thả lỏng cơ, khám vận động thụ động một khớp, ta thấy có sức cản đều cả theo chiều gấp lẫn chiều duỗi của chi thể và cản đều trong suốt một quá trình gấp hay duỗi.

- Rối loạn tư thế đứng và đi: Khi khởi phát, biểu hiện bằng dáng đi lê bước và tay không vung vẩy khi đi, thường chỉ ở một nửa người. Về sau khi bệnh phát triển thì ở cả hai bên. Bệnh nhân khó đổi hướng đi, khi đứng hoặc đi muốn xoay đổi hướng thì phải xoay cả toàn thân và thường phải bước vài bước, không thể trụ xoay bằng 1 chân được.

 Ngoài ra, trong bệnh Parkinson, còn có một số triệu chứng khác, thường khó được nhận biết hơn, gọi là triệu chứng ngoài vận động, hay còn gọi là tiền vận động, có thể khởi phát trước cả các triệu chứng vận động, bao gồm các biểu hiện sau:

- Giảm hoặc mất khứu giác: Là rối loạn khả năng nhận biết mùi hoặc phân biệt mùi. Rối loạn khứu giác được cho là dấu hiệu sớm của bệnh Parkinson, làm tăng 10% nguy cơ tiến triển thành bệnh Parkinson trong vòng 2 năm sau khi khởi phát triệu chứng.

- Rối loạn thần kinh tự chủ: Bao gồm táo bón, khó nuốt, tiểu gấp, tiểu nhiều lần, cảm giác choáng váng hoặc ngất do tụt huyết áp tư thế, rối loạn cương.

- Trầm cảm: Làm tăng từ 2,2 đến 3,2 lần nguy cơ diễn tiến thành bệnh Parkinson.

- Rối loạn giấc ngủ: Bao gồm khó ngủ, mất ngủ và chứng buồn ngủ quá mức ban ngày. Trong rối loạn hành vi giấc ngủ vận nhãn nhanh, bệnh nhân đấm đá, nhảy dựng lên và có thể gây thương tích cho người ngủ cùng giường.

Đối tượng mắc bệnh, tiên lượng bệnh, điều trị?

Tại Việt Nam, bệnh thường gặp ở thập niên 60, với tỷ lệ nam và nữ gần như nhau. Một số bệnh nhân trở nên tàn phế nặng sau 10 năm, nhưng một số khác giữ được đáp ứng ổn định với thuốc và vẫn giữ được chức năng nhận thức. Suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ thường chỉ xảy ra trong giai đoạn muộn. Trường hợp nặng, bệnh ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, làm người bệnh nằm liệt giường hay tàn tật và trở thành gánh nặng không chỉ cho bệnh nhân mà cho cả người chăm sóc.

Bệnh Parkinson không phải là chuyện tất yếu của tuổi già. Đó là một tình trạng bệnh cần được bác sỹ điều trị. Bệnh Parkinson không điều trị khỏi hẳn được, nhưng bệnh nhân có thể chung sống với bệnh trong nhiều năm. Điều trị bệnh Parkinson căn bản là dựa vào thuốc và vật lý trị liệu, cùng với các phương pháp trợ giúp khác. Các phương pháp điều trị phục hồi chức năng, bao gồm cả vật lý trị liệu, sẽ giúp tăng khả năng vận động và giảm các rối loạn thăng bằng. Phẫu thuật (gọi là phương pháp kích thích não sâu) có thể được chỉ định trong một số ít trường hợp chọn lọc, là một chọn lựa khi điều trị nội khoa không còn kiểm soát được các biến chứng vận động.

ThS.BS Võ Nguyễn Ngọc Trang

Bệnh viện Ngoại Thần kinh Quốc tế

Theo Tạp Chí Sức Khỏe

Bạn muốn đặt câu hỏi cho Võ Nguyễn Ngọc Trang
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Ý kiến của bạn ({{ pagination.lastes.total }})
Bài viết khác của Võ Nguyễn Ngọc Trang
{{ item.desc.name }}
Bài viết khác - Thần kinh
{{ item.desc.name }}
{{ item.desc.name }}
Banner Hỏi đáp Bác sĩ Banner Cơ sở y tế banner 1 trong 4 box (Thư viện BS) Banner Trò chuyện cùng BS
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Sức Khoẻ

Vui lòng để lại thông tin và Chuyên khoa bạn quan tâm, Sức Khỏe sẽ gửi đến bạn những cập nhật mới nhất qua Email của bạn.