Bệnh lý sàn chậu nữ - Có nên chịu đựng và giấu kín?

BS. Nguyễn Thị Thanh Tâm
  • Thạc sĩ, Bác sĩ
  • Sản phụ khoa
  • Bệnh viện đa khoa Tâm Anh
Xem thêm thông tin
Bệnh lý sàn chậu nữ liên quan trực tiếp đến quá trình mang thai, sinh nở và mãn kinh khiến tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao gấp 4 lần so với nam giới. Tỷ lệ mắc bệnh sàn chậu mức độ nặng tăng cao ở giai đoạn sau mãn kinh, khiến người bệnh không còn cơ hội điều trị nội khoa, phải tiến hành phẫu thuật.

Bệnh lý sàn chậu nữ - nỗi khổ tâm của người phụ nữ

Trong mỗi gia đình chúng ta, luôn hiện diện bóng dáng người phụ nữ ở nhiều vai trò khác nhau: Người vợ hiền đảm việc nhà, cùng chồng xây dựng sự nghiệp, kinh tế gia đình, mang thai sinh nở duy trì nòi giống và hạnh phúc gia đình, người mẹ chịu thương chịu khó, người bà tận tụy thương con chăm cháu… Cứ như vậy thăng trầm trong cuộc đời người phụ nữ từ lúc son trẻ đến xế chiều đều được thể hiện như là thiên chức của người vợ, người mẹ, người bà. Nhưng điều mà họ lại thường giấu kín, không nói ra là các bệnh lý liên quan thiên chức của người phụ nữ, đó là: các bệnh sàn chậu nữ: sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng, đi đại tiện hoặc tiểu tiện không tự chủ, đi gấp khó kìm nén theo ý muốn, giãn nhão âm đạo khiến giao hợp đau, giảm cảm giác ảnh hưởng đời sống sinh hoạt vợ chồng. Nguyên nhân bệnh lý sàn chậu nữ liên quan trực tiếp quá trình mang thai, sanh nở, và sụt giảm nội tiết thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh.

Bệnh lý sàn chậu nữ liên quan trực tiếp quá trình mang thai, sanh nở, và sụt giảm nội tiết thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh

Bệnh lý sàn chậu nữ có nguy hiểm không và tại sao phụ nữ thường giấu kín, âm thầm chịu đựng?

Bệnh lý sàn chậu nữ liên quan trực tiếp đến quá trình mang thai, sinh nở và mãn kinh khiến tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao gấp 4 lần so với nam giới. Tỷ lệ mắc bệnh sàn chậu mức độ nặng tăng cao ở giai đoạn sau mãn kinh, khiến người bệnh không còn cơ hội điều trị nội khoa, phải tiến hành phẫu thuật. Các khối sa ra ngoài âm đạo gây đau đớn, trì nặng khó chịu vùng bụng dưới, đau lưng dưới, khối sa có thể bị loét, chảy máu, nhiễm trùng hoặc cản trở đi tiểu, đại tiện gây tiểu khó, tiểu lắt nhắt, tiểu tồn lưu, tiểu không kiểm soát, nhiễm trùng da, viêm sinh dục do nước tiểu. Ở các giai đoạn khối sa nặng gây cản trở thoát nước tiểu, dẫn đến thận bị ứ nước, suy thận, bàng quang hỗn loạn thần kinh không thể cầm giữ và đi tiểu theo ý muốn nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Việc phát hiện và điều trị bệnh lý sàn chậu trễ, vào giai đoạn nặng đa phần chỉ còn phục hồi khối sa về vị trí bình thường của các cơ quan như tử cung, bàng quang, trực tràng không còn ra ngoài âm đạo nữa. Điều đáng lo ngại là chức năng của bàng quang, ruột, các cơ thắt giúp kiểm soát theo ý muốn hoạt động tiểu tiện, đại tiện đã bị tổn thương khiến cho chất lượng cuộc sống của phụ nữ sau phẫu thuật vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề, tốn kém về kinh tế khi luôn mang băng tã và vệ sinh chống hăm, điều trị nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng da...

Mặc dù bệnh sàn chậu nữ khá phổ biến và gây các hậu quả đau đớn, khó chịu, nhưng đa phần (>70%) phụ nữ vì tâm lý mặc cảm, thiếu tự tin trong giao tiếp nên đã thu mình chịu đựng bệnh. Tâm lý không muốn người bạn đời biết bệnh nhạy cảm vùng sinh dục, sợ bị chê bai, kỳ thị vì mùi hôi do són tiểu, són hơi hoặc són phân không tự chủ. Bên cạnh đó, khi mắc bệnh sàn chậu, người phụ nữ vì cho rằng bệnh do sanh đẻ nhiều, lớn tuổi thì khó cứu chữa, tốn kém tiền bạc, người bệnh đã trông đợi các phương pháp điều trị dân gian hiện chưa được khoa học chứng minh hiệu quả, truyền tai nhau như xông hơ vùng tầng sinh môn, ngâm vùng hội âm vào nước muối nóng, uống nước sao từ chè xanh..., khiến người bệnh trở lên ngại đi khám bệnh, trong khi bệnh vẫn diễn tiến ngày càng nặng hơn, gây khó khăn trong sinh hoạt và điều trị.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh lý sàn chậu?

Bệnh lý sàn chậu nữ chia làm 5 nhóm nhỏ với các biểu hiện như sau:

- Nhóm 1: Liên quan đường sinh dục: các khối sa tử cung, bàng quang, trực tràng có thể nhìn, sờ thấy hoặc chỉ cảm thấy trì nặng mơ hồ vùng bụng dưới, lưng dưới. Khối sa ra ngoài âm đạo sẽ có biến chứng lở loét, chảy máu và đau đớn.

- Nhóm 2: Liên quan đường tiểu dưới là chức năng của bàng quang, niệu đạo như tiểu không kiểm soát, tiểu gấp, tiểu lắt nhắt nhiều lần, tiểu đêm, tiểu khó, tiểu tồn lưu không hết, rỉ nước tiểu khi cười, ho hắt hơi, mang vác nặng hoặc ngay cả khi quan hệ tình dục.

- Nhóm 3: Liên quan đường tiêu hoá dưới như són hơi, són phân, mắc đại tiện gấp, táo bón, đau hậu môn do co thắt cơ bất thường.

- Nhóm 4: Liên quan đến hoạt động tình dục: giao hợp đau, giảm cảm giác hoặc không giao hợp được do chứng co thắt cơ âm đạo bất thường.

- Nhóm 5: Liên quan các đau vùng sàn chậu do tổn thương thần kinh cơ chi phối sàn chậu như hội chứng thần kinh thẹn, tê bì như kiến bò vùng da tầng sinh môn.

Sàn chậu nữ là một thể thống nhất của đa cơ quan như sinh dục, tiết niệu, trực tràng, thuộc đa chuyên khoa phụ sàn – tiết niệu và hậu môn trực tràng. Đa phần biểu hiện lâm sàng bệnh lý sàn chậu nữ sẽ có phối hợp các bệnh liệt kê ở 5 nhóm trên với nhau. Điều trị bệnh lý sàn chậu nữ là điều trị đa chiều ở các bệnh viện có đầy đủ phương tiện chẩn đoán, điều trị và phẫu thuật, có đầy đủ các chuyên khoa liên quan, mới mong đạt hiệu quả cao nhất về cả giải phẫu lẫn chức năng các cơ quan liên quan bệnh lý sàn chậu này.

Những ai có nguy cơ bị bệnh sàn chậu nữ?

Tất cả tình trạng tăng áp lực ổ bụng dồn lên sàn chậu (là phần thấp nhất của ổ bụng nâng đỡ toàn bộ các cơ quan trong ổ bụng) như:

  • Công việc thường xuyên mang, vác nặng.
  • Hoạt động thể dục thể thao chấn động lên sàn chậu như: nâng tạ, chạy bộ, nhảy dây, quần vợt, cầu lông….
  • Ho mãn tính
  • Táo bón mãn kinh
  • Béo phì, tăng cân nhanh
  • Phụ nữ mang thai từ 3 tháng giữa
  • Các yếu tố ảnh hưởng đến cấu trúc sàn chậu, đứt rách, thoái hoá cân cơ, dây chằng treo các tạng vùng chậu:
  • Sanh nở nhiều lần, từ 3 lần
  • Sanh con to trên 3500gr
  • Sanh ngả âm đạo có chấn thương phức tạp, đứt rách cơ thắt, cơ nâng hậu môn.
  • Sanh dụng cụ: giác hút, kềm.
  • Hút thuốc lá, bệnh lý tim mạch, tiểu đường không kiểm soát tốt
  • Suy dinh dưỡng
  • Xạ trị vùng bụng chậu các bệnh ung thư
  • Tiền mãn kinh, mãn kinh

Thăm khám và chẩn đoán bệnh sàn chậu nữ bao gồm những gì?

  • Bác sĩ chuyên gia về sàn chậu nữ sẽ thăm khám lâm sàng theo 5 nhóm bệnh lý sàn chậu nữ. Một buổi thăm khám đánh giá chức năng và bệnh lý sàn chậu nữ cần thời gian lâu hơn các thăm khám sản phụ khoa thông thường.
  • Bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn các thăm dò khảo sát chức năng đường tiểu dưới như: đo niệu dòng đồ, xác định nước tiểu tồn lưu, đo niệu động học (thường gọi là áp lực đồ bàng quang)
  • Các phương tiện chẩn đoán chức năng cơ sàn chậu giúp lên kế hoạch điều trị nội khoa bằng vật lý trị liệu sàn chậu, tránh cuộc phẫu thuật.
  • Chẩn đoán hình ảnh sàn chậu nữ với siêu âm ngả đáy chậu và chụp cộng hưởng từ động học tống phân: giúp chẩn đoán được độ sa sàn chậu, sa niệu đạo, bàng quang, tử cung, túi sa trực tràng.

Các phương pháp điều trị bệnh lý sàn chậu nữ phổ biến hiện nay là gì?

Điều trị nội khoa:

  • Bổ sung nội tiết tại chỗ với viên đặt âm đạo
  • Tập vật lý trị liệu sàn chậu: là điều trị vàng được ưu tiên khuyến cáo người bệnh cho dù bệnh có chỉ định phẫu thuật hay không.
  • Tự tập ở nhà sau khi được chuyên viên về sàn chậu nữ hướng dẫn hoặc tập kèm dưới hướng dẫn trực tiếp của bác sĩ, điều dưỡng chuyên về sàn chậu nữ.
  • Tập với máy tập sàn chậu chuyên sâu có kèm hay không kích thích điện cơ: tăng khả năng sử dụng hệ thống cơ sàn chậu co thắt hoặc thư giãn giúp kiểm soát tốt các hoạt động tiêu, tiểu, quan hệ tình dục, cũng như rút khối sa vào trong âm đạo.
  • Vòng nâng tử cung trong âm đạo (Pessary): có nhiều hình dạng, kích thước, tùy theo bệnh lý ví dụ: sa tử cung, sa bàng quang, tiểu không kiểm soát tiềm ẩn mà bác sĩ thăm khám sẽ chỉ định loại vòng Pessary tương ứng. Khi người bệnh được đặt vòng nâng Pessary trong âm đạo thì cần được bác sĩ, điều dưỡng tập huấn cách tự đặt, lấy vòng  và chăm sóc vệ sinh khi sử dụng vòng nâng.                                                                 

Điều trị ngoại khoa

  • Phẫu thuật được chỉ định với các trường hợp sa tạng chậu từ độ 2, hoặc bệnh gây cản trở hoạt động tiêu tiểu, đau đớn, giảm chất lượng cuộc sống.
  • Phẫu thuật kinh điển: cắt tử cung ngả âm đạo, tỷ lệ sa tái phát khoảng 30% trong năm đầu sau mổ. Những trường hợp sa tạng chậu có kèm bệnh lý phụ khoa cần cắt tử cung thì đây là phẫu thuật nhẹ nhàng, nhanh chóng, người bệnh mau hồi phục sức khỏe.
  • Phẫu thuật sàn chậu: giúp giảm tỷ lệ tái phát sau phẫu thuật điều trị sa tạng chậu. Hiện nay có các phẫu thuật như: treo tử cung, treo mỏm cắt ngả bụng hở hoặc nội soi ổ bụng cố định sàn chậu vào mỏm nhô,  hoặc treo nâng tử cung, bàng quang, trực tràng ngả âm đạo vào các cấu trúc dây chằng, cân cơ xung quanh vùng khung xương chậu, có hay không sử dụng các chất liệu tổng hợp không tan, phẫu thuật điều trị són tiểu với dải băng không tan nằm ở thành trước âm đạo theo phương pháp TOT hoặc TVT. Đây là các kỹ thuật khó đòi hỏi phẫu thuật viên khéo léo, đã qua đào tạo phẫu thuật sàn chậu. Việc sử dụng các chất liệu không tan trong phẫu thuật sa tạng chậu, điều trị són tiểu nhằm tái tạo các cấu trúc nâng đỡ niệu đạo, bàng quang, tử cung, trực tràng bị đứt, rách đưa các tạng bị sa, quá di động về lại vị trí bình thường.

Sau các phẫu thuật điều trị bệnh lý sàn chậu, người bệnh thường sẽ tái khám 1-2 tuần sau, và kiêng giao hợp từ 4-6 tuần. Nếu phẫu thuật có sử dụng mảnh ghép là các chất liệu tổng hợp không tan thì việc tái khám tại các cơ sở y tế có kinh nghiệm theo dõi mảnh ghép sẽ giúp người bệnh được phát hiện sớm các biến chứng của mảnh ghép như, lộ mảnh ghép, nhiễm trùng, khối tụ máu, tụ mủ.

Dự phòng bệnh lý sàn chậu nữ như thế nào?

  • Điều chỉnh chế độ sinh hoạt, vận động, làm việc phù hợp, tránh làm quá nặng tăng nguy cơ tổn thương lên cấu trúc sàn chậu, tránh táo bón, ho mãn tính kéo dài.
  • Dinh dưỡng, nghỉ ngơi điều độ, tránh tăng cân quá mức.
  • Thăm khám đánh giá chức năng sàn chậu từ khi mang thai, ngay sau sinh từ 1-3 tháng, khi mãn kinh hoặc khi nghi ngờ có các nhóm triệu chứng bệnh lý sàn chậu.

ThS.BS. Nguyễn Thị Thanh Tâm

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM

 

Bạn muốn đặt câu hỏi cho Nguyễn Thị Thanh Tâm
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Ý kiến của bạn ({{ pagination.lastes.total }})
Bài viết khác của Nguyễn Thị Thanh Tâm
{{ item.desc.name }}
Bài viết khác - Sản phụ khoa
{{ item.desc.name }}
{{ item.desc.name }}
Banner Hỏi đáp Bác sĩ Banner Cơ sở y tế banner 1 trong 4 box (Thư viện BS) Banner Trò chuyện cùng BS
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Sức Khoẻ

Vui lòng để lại thông tin và Chuyên khoa bạn quan tâm, Sức Khỏe sẽ gửi đến bạn những cập nhật mới nhất qua Email của bạn.